Thứ Hai, 20 tháng 2, 2017

DÒNG HỌ NGÔ ĐÌNH ƯỚC MƠ CHƯA ĐẠT - PHẦN 3


Cựu Trung Tá Nguyễn Văn Minh -TIỀN ĐẢO CHÁNH

  Cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963 xảy ra không phải là chuyện bất ngờ đối với các nhà lãnh đạo Đệ I Cộng Hòa. Chỉ mấy tháng sau khi Tổng Thống Kennedy lên cầm quyền, thấy rõ đường lối của ông, họ đã đoán biết những khó khăn sẽ xảy đến đối với họ.
Sau khi nhận chính quyền, duyệt xét chiến lược ngăn chận Cộng Sản bành trướng tại vùng Đông Nam Á, Tổng Thống Kennedy chủ trương: Không cần giữ Lào Quốc để bảo vệ "bức tường" Nam Việt Nam, vì đường tiếp vận cho Lào khó khăn. Thay vào đó, chỉ cần bố trí một lực lượng quân sự thật hùng mạnh tại Nam Việt Nam.
Thực hiện chủ trương này, tháng 5.1961 Tổng Thống Kennedy gửi Phó Tổng Thống Johson qua Sài Gòn đề nghị Tổng Thống Diệm cho đưa Quân Đội Mỹ vào tham chiến tại Việt Nam. Đề nghị này bị Tổng Thống Diệm từ chối vì sự hiện diện của Quân Đội Mỹ trên chiến trường sẽ làm cho cuộc chiến chống cộng của Việt Nam Cộng Hòa mất chính nghĩa và đất nước mất chủ quyền.
Để dung hòa. Việt Nam đề nghị hai Chính Phủ Việt-Mỹ ký một Hiệp ước An Ninh Hỗ Tương như chính phủ Mỹ đã ký kết với chính phủ Đại Hàn.
Không chấp nhận đề nghị của Việt Nam,  Hoa Kỳ đưa ra đề nghị mới: Hai nước ký một Hiệp ước hợp tác theo hình thức "công ty hợp doanh"(tháng 10.1961). Áp dụng hình thức này có nghĩa là bên nào đóng góp nhiều hơn sẽ nắm quyền điều khiển cuộc chiến.
Một lần nữa sáng kiến của chính phủ Kennedy bị Tổng Thống Diệm bác khước. Vì hợp tác theo hình thức này Việt Nam sẽ mất quyền chủ động trong cuộc chiến.
Thái độ cứng rắn không khoan nhượng trong lập trường bảo vệ độc lập và chủ quyền đất nước của Tổng Thống Diệm, đã làm cho một số nhân vật trong chính phủ Kennedy hết sức tức dận. Họ đòi chính phủ Mỹ phải lập một chính quyền mới tại Việt Nam.
Biết rõ được lập trường của Tổng Thống Diệm, các nhân vật này liền thực hiện một âm mưu rất thâm độc. Họ tìm cách tạo ra những tình trạng đẩy ông vào thế phải chống lại chính quyền Mỹ, để có lý do biện hộ cho việc loại trừ ông trước công luận Hoa Kỳ.
Cuối năm 1961, chính phủ Mỹ tự ý tăng số Cố Vấn trong Quân Đội Việt Nam từ 6. 000 lên 18. 000 người mà không tham khảo trước với Chính Phủ Việt Nam. Với số cố vấn tăng lên gấp 3 này, họ đòi phải được đặt thêm cố vấn quân sự xuống đến cấp Tiểu Đoàn, và bên ngành Hành Chánh phải được đặt cố vấn ở cấp Tỉnh.
Khi đã đặt được cố vấn ở cấp Tỉnh, đầu năm 1963, họ đơn phương quyết định cung cấp các vận dụng viện trợ cho Chương Trình Ấp Chiến Lược thẳng đến các Tỉnh, không qua Ủy Ban Trung Ương của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa.
Đến tháng 4 cùng năm, Tổng Thống Kennedy lại đòi Chính Phủ Việt Nam phải để cho Hoa Kỳ kiểm soát ngân khoản dành cho công tác chống nổi dậy, mà trong đó có 3% do ngân sách Việt Nam đóng góp.
Qua các sự kiện trên đây, âm mưu của những nhân vật chủ trương loại trừ Tổng Thống Diệm trong chính quyền Kennedy đã đạt kết quả. Họ gây ra được sự rạn nức trầm trọng trong bang giao giữa hai chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ, các nhà lãnh đạo Việt Nam tỏ rõ thái độ quyết liệt chống lại lối hành xử của chính quyền Kennedy coi Việt Nam như một thuộc địa của nước Mỹ.
Từ đó, dư luận về một cuộc đảo chánh nhằm xóa bỏ chế độ Đệ I Cộng Hòa Việt Nam mỗi ngày mỗi ồn ào hơn. Trong quần chúng thành thị, người ta được nghe nói nhiều đến việc chính phủ Kennedy đã quyết định tìm cách loại bỏ Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Nhiều giới chức Hoa Kỳ đã vô tình hay cố ý tiết lộ với vác giới chức và nhân vật thân quen, gần gũi với các nhà lãnh đạo Việt Nam tin tức liên quan đến quyết định nói trên.
Ông Trần Trung Dung kể lại với tôi, Giáo Sư Fishel, nguyên Cố Vấn của Trường Quốc Gia Hành Chánh và ngành Cảnh Sát Quốc Gia, bị chấm dứt bởi hợp đồng vào trước cuối năm 1962, vì bị khám phá ra là một nhân viên CIA quan trọng. Trong một chuyến ghé qua Sài Gòn cuối năm ấy, ông này cho ông Dung biết "Một cuộc đảo chánh chế độ Ngô Đình Diệm sẽ xảy ra trong tháng 1 hoặc tháng 2. 1963".
Ít lâu sau, hai người Mỹ khác, bạn thân của ông Trần Trung Dung đến Sài Gòn, ông khoảng đãi họ cách trân trọng. Theo lời ông Dung, khi rượu đã ngà ngà, hai người này tiết lộ với ông: "Việc bắt ông Diệm thôi đã dứt khoát, nếu không thôi sẽ bị giết".
Nhận thấy tình hình đã đến mức quá nguy hiểm, ông Dung, một mặt trình cho Tổng Thống Diệm biết, một mặt gửi phu nhân ra tin cho ông Cẩn hay. Đề phòng những bất trắc có thể xảy ra khi tình hình bị xáo trộn, ông Dung đề nghị ông Cẩn tạm thời đi nghỉ bất cứ một nước nào trong Vùng Đông Nam Á như Hồng Kông, Đài Loan, Singapore v. v. . . đem theo vài người tín cẩn. Ông Dung sẽ nhờ bạn quen ở các nước này lo chu đáo mọi chuyện cho ông.  Chừng ba bốn tháng, nếu tình hình yên ổn sẽ về lại. Được biết tình hình, ông Cẩn sau ba ngày suy nghĩ đã trả lời với bà Dung: "Tao nhất định ở lại làm việc, sống thì sống, chết thì chết,  không đi mô hết".
Về phần Tổng Thống Diệm, mặc dầu được biết những đe dọa và nguy hiểm đối với chế độ của mình, ông vẫn cương quyết giữ vững lập trường bảo toàn chủ quyền Quốc Gia và đường lối chính trị độc lập không nhân nhượng. Lập trường cứng rắn ấy đã làm mất đi những hậu thuẫn chính trị từ trước vẫn dành cho Tổng Thống nơi một số chính khách Hoa Kỳ và làm tăng thêm động lực thúc đẩy việc thực hiện một cuộc đảo chánh chống lại ông.
Đầu tháng 6. 1963, Linh Mục Cao Văn Luận sau khi đi một vòng mấy nước Âu Châu và Mỹ, khi trở về đã nói với tôi: "Tình hình hết sức bất lợi và nguy hiểm lắm. Âu Châu không đến nỗi chi. Nhưng tại Hoa Kỳ thì những người đã từng ủng hộ và thân thiết với ông Cụ (Tổng Thống Diệm) như ông Mansfield (Thượng Nghị Sĩ) bây giờ cũng trở lại chống".
Tiếp theo, từ thượng bán niên 1963, một chiến dịch thông tin do những phóng viên còn quá trẻ của Mỹ thực hiện. Hành động của họ, nếu không muốn nói rằng họ được sai đi dọ đường cho việc thực hiện một kế hoạch gì đó, thì người ta phải nhìn nhận rằng họ không có một chút hiểu biết nào về loại chiến tranh khuynh đảo và nổi dậy. Họ không biết hoặc không thèm quan tâm đến những yếu tố như tâm lý, nếp suy nghĩ và tôn ty trật tự xã hội theo quan niệm Khổng Giáo của Dân Tộc Việt Nam, và đặc biệt với Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Họ đã nói, viết về chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đủ điều theo tầm hiểu biết hạn hẹp và lối nhìn thiên kiến của họ. Đến khi vụ "biến động cờ Phật Giáo" bùng nổ thì những phóng viên này đã thực sự trở thành đội quân xung kích của trận chiến xóa bỏ nền Đệ I Cộng Hòa Việt Nam. Họ tích cực khai thác, sử dụng biến động này làm vũ khí đánh thẳng vào nhà lãnh đạo chế độ ngay tại Trung Tâm Thủ Đô Sài Gòn.
Khi xảy ra tai nạn bi thảm tại Đài Phát Thanh Huế, ông Ngô Đình Nhu thấy ngay âm mưu thực hiện cuộc đảo chánh chống lại nền Đệ I Cộng Hòa đã thực sự được khởi động. Ông nói với ông Cao Xuân Vỹ: "Họ dùng tôn giáo để đánh mình thế này thì mình chết rồi". Và ít tuần sau, theo Đại Úy Nguyễn Ngọc Hạp Sĩ Quan Tùy Viện của ông Nhu, trong cuộc họp hàng tuần (ngày thứ hai) tại Bộ Tổng Tham Mưu với các Tướng lãnh, ông đã nói thẳng với họ:
"Nếu trong các anh ai thấy có khả năng đảo chánh để làm gì cho đất nước tốt hơn Chính Phủ này thì cứ làm. Tôi sẵn sàng phò tá. Nhưng nếu làm do sự xúi dục của ngoại bang thì đừng làm. Bây giờ ngoại bang nói Chính Phủ này thế này thế nọ, mai mốt họ cũng nói những chính phủ kế tiếp như vậy. Và cứ thế, đất nước sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn".
Đến ngày 23. 7. 1963, tại Suối Lồ Ô, khi được các Cán Bộ Xây Dựng Ấp Chiến Lược khóa XIII hỏi về tình hình những biến động được gọi là "cuộc tranh đấu của Phật Giáo". Ông Nhu cũng đã công khai nói đến một âm mưu đảo chánh đang được thực hiện từ cả hai phía: Việt Nam và Mỹ.
Về phía Việt Nam, sau khi nói về kỹ thuật của cuộc "đấu tranh mang danh Phật Giáo" là: Cứ gây nên những xáo trộn, bắt buộc lực lượng bảo vệ anh ninh phải đối phó. Càng xáo trộn càng phải đối phó, càng đối phó càng va chạm, càng gây bất mãn, phẫn nộ, tạo nên tình hình thuận lợi cho một cuộc đảo chánh, ông nói:
". . . Cho nên đường lối vận động của bên Tổng Hội Phật Giáo nhằm tiến tới một cuộc đảo chính rất là tinh vi, rất có kết quả. . . "
Về tương lai của Tổng Hội Phật Giáo ông cũng tiên đoán:
"Theo ý tôi thì cái chính phủ này, cái chính phủ cừ nhừ này, là Chính Phủ duy nhất có thể bảo đảm sự sinh tồn và thống nhất của Tổng Hội Phật Giáo. Cái Chính Phủ này là Chính Phủ mà Tổng Hội Phật Giáo ưng lật đi, chính cái Chính Phủ này mới bảo đảm sự sống còn cho anh em bên Tổng Hội Phật Giáo. Nếu Chính Phủ này mất mà Chính Phủ khác lên thì không biết sẽ xảy ra chuyện gì đối với bên Phật Giáo".
Về phía người Mỹ, ông nói:
". . . tất cả thông tấn xã của Mỹ hoàn toàn tuyên truyền một chiều. Còn bên ta ngắn cổ kêu không thấu trời, mình nói ai mà nghe. Các thông tấn ngoại quốc hoàn toàn dìm công việc của chúng ta. Họ không nói gì đến lập trường của Chính Phủ, chỉ nói đến những gì bên Tổng Hội Phật Giáo đưa ra. Việc đó nhằm âm mưu nào thì anh em cũng dễ hiểu".
Và trước đó, ngày 9 tháng 7 năm 1963, trong buổi lễ khai mạc lớp huấn luyện cán bộ Ấp Chiến Lược khóa XIII này, ông cũng đã tiên đoán đúng thời điểm những thế lực chủ mưu cuộc đảo chánh toan tính. Ông xác quyết:
"Chúng tôi xác nhận lại một lần nữa là, mấy tháng tới đây, cho đến cuối năm 1963 là những tháng quyết định số mạng của Dân Tộc mình".
Với Tổng Thống Diệm, dù biết rằng lý do tôn giáo đã được khai thác trong những bất ổn này là một mối nguy quá lớn cho chế độ. Nhưng ông vẫn nhất quyết không nhượng bộ những đòi hỏi phạm tới chủ quyền đất nước. Ông tiếp tục giải quyết mọi vấn đề nội bộ theo đường lối của Chính Phủ.
Khi được biết có dư luận nói rằng: Tổng Thống Kennedy đưa ông Henry Cabot Lodge qua làm Đại Sứ thay ông Nolting với sứ mạng tổ chức đảo chánh lật đổ mình, Tổng Thống Diệm nói với ông Nguyễn Đình Thuần:
"Họ có thể gửi qua đây một chục ông Lodge, nhưng không khi nào tôi chịu để cho người ta làm nhục tôi hay Dân Tộc mình, dù họ có chĩa đại bác bắn vào Dinh này". (The Year Of The Hare. Trang 37)
Sau khi ông Cabot Lodge nhận chức Đại Sứ, giữa tháng 9. 1963,  ông Ralt Johnson, một trong hai Cố Vấn của Bộ Nội Vụ, (người kia là ông Conein, kẻ móc nối các Tướng làm cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963) và là Cố Vấn Lực Lượng Võ Trang Nhân Dân, ra Huế gặp tôi. Ông này vốn tính tình có vẻ cởi mở và đối với tôi khá thân tình, từ khi ông giữ vai trò Cố Vấn Lực Lượng Võ Trang Nhân Dân. Mỗi lần đến gặp tôi, vừa vào tới cổng đã giơ tay chào "Hi" và cười hể hả. Lần này ông đến với vẻ mặt tỏ rõ nét suy tư khác thường. Vào trong nhà vừa ngồi xuống ghế ông nói ngay:
- Hôm nay tôi ra gặp anh vì một việc rất quan trọng.
Cướp lời ông tôi nói đùa:
- Thấy nét mặt anh tôi biết là quan trọng rồi.
Ông lặng lẽ rút từ trong túi ra một miếng giấy đưa cho tôi:
- Anh đọc cái này đi rồi tôi sẽ cho anh biết mục đích tôi ra gặp anh hôm nay.
Miếng giấy ghi trích đoạn của hai Công Điện Hoa Thịnh Đốn gửi Tòa Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn. Nội dung:
1.  Công điện thứ nhất: ". . . Nếu Diệm vẫn ngoan cố không thay đổi thì chúng ta phải chọn quyết định ngay cả Diệm cũng không được duy trì". (Công Điện ngày 24. 8. 1963, bật đèn xanh cho ông Lodge khuyến khích và hỗ trợ một cuộc đảo chánh. Công Điện này đã được nhiều tài liệu nói tới)
2.  Công điện thứ hai: "Phải tìm mọi cách giữ Diệm lại. Vì miền Nam Việt Nam không có Diệm thì không còn biểu tượng chống Cộng Sản". (Công Điện này chưa thấy tài liệu nào nói đến. Một dịp đến Maryland năm 1995, tôi hỏi thăm tìm gặp ông Ralf Johnson, thì được cho biết ông Johnson đã qua đời mấy năm trước rồi).
Sau khi nhận miếng giấy tôi trao lại, ông Johnson nói:
- Anh thấy đó, chúng tôi nhận được hai lệnh trái ngược hẳn nhau. Dĩ nhiên chúng tôi phải thi hành lệnh mới nhất. Để có thể thi hành lệnh mới này, chúng tôi nghĩ chỉ có cách đề nghị Tổng Thống sửa đổi một chút trong Bản Hiến Pháp Việt Nam, để có thể đặt thêm một Thủ Tướng phụ giúp cho Tổng Thống. Giải pháp này nhằm lúc gặp tình hình quá khó khăn,  chúng ta chỉ cần thay Thủ Tướng, còn Tổng Thống vẫn tại vị. Đây là một đề nghị hoàn toàn do thiện chí của chúng tôi. Và để chứng tỏ chúng tôi không có ý can thiệp vào vấn đề nội bộ của Chính Phủ Việt Nam, chúng tôi không có ý kiến gì về vấn đề nhân sự. Vị Thủ Tướng hoàn toàn do Tổng Thống tự lựa chọn và chỉ định.
Chúng tôi đã nhờ tất cả những người mà chúng tôi biết vốn được Tổng Thống nể trọng và tín nhiệm, trình với Tổng Thống đề nghị trên đây, nhưng tất cả đều không được Tổng Thống chấp thuận. Chúng tôi thấy chỉ còn một người duy nhất có thể được Tổng Thống nghe là ông Cố Vấn Ngô Đình Cẩn. Vì thế hôm nay tôi được lệnh ra đây nhờ anh trình với ông Cố Vấn đề nghị trên đây của chúng tôi.
Và ông cũng khéo léo gợi ý:
- Tôi cũng muốn nói với anh rằng, tình hình rất nghiêm trọng. Chính phủ Mỹ cử ông Cabot Lodge qua làm Đại Sứ ở đây, thì cũng không khác gì Chính Phủ Việt Nam cử ông Ngô Đình Nhu đi làm Đại Sứ ở nước nào đó.
Tôi trả lời ông Johnson:
- Vấn đề quả thật quan trọng. Tôi sẽ trình ông Cố Vấn tất cả những điều anh đã nói với tôi ngay trong chiều hôm nay. Hy vọng rằng công tác của anh sẽ đạt kết quả tốt.
Tuy nói với ông Johnson như vậy, nhưng trong đầu tôi nghi ngờ chưa chắc ông Cẩn sẽ có hành động gì đối với đề nghị vừa kể của người Mỹ. Vì lúc này ông Cẩn không còn muốn can dự gì vào công việc của chính quyền nữa.
Nhưng tôi đã nghĩ sai. Buổi chiều tôi vào trình ông Cẩn đề nghị nói trên của Tòa Đại Sứ Mỹ. Sau khi nghe tôi trình bày, ông cười khẩy nói: "Họ muốn biến mình thành bù nhìn đây.  Nhưng tình thế này thì cứ chấp nhận, khi đã ổn định, thay đổi lại mấy hồi. Không biết ông Cụ có chịu nghe ý kiến của mình không? Nhưng chú cứ nên viết thơ trình ông Cụ, lát nữa đưa xuống cho tôi". Quả thật điều ông Cẩn nghi ngờ đã xảy ra, ý kiến của ông không được Tổng Thống Diệm chấp thuận.
Điều ông Johnson nói người Mỹ không có ý kiến về nhân vật sẽ đảm nhiệm chức vụ Thủ Tướng, vì không muốn can thiệp vào chuyện nội bộ của Chính Phủ Việt Nam. Thật ra không phải như vậy. Sau này khi một số hồ sơ mật được bạch hóa, người ta mới thấy đây chỉ là một thiện chí được nói ra cốt để che đậy một âm mưu đã được sắp đặt. Vì họ đã biết rằng, trong số các Bộ Trưởng trong Chính Phủ của Tổng Thống Diệm lúc ấy, người được ông tin tưởng nhất và có đủ yếu tố để được chỉ định giữ chức vụ Thủ Tướng, nếu ông chấp thuận đề nghị của họ, là Bộ Trưởng Phủ Tổng Thống kiêm Bộ Trưởng Phụ Tá Quốc Phòng Nguyễn Đình Thuần.  Về phía họ, CIA đã nắm chắc ông Thuần, đã nhận được nhiều tin tức về nội tình Chính Phủ Việt Nam từ ông ta. Trong Biến Cố Chính Trị Việt Nam Hiện Đại, Giáo Sư Tiến Sĩ Sử Học Phạm Văn Lưu cho biết, Roger Hilsman, Phụ Tá Bộ Trưởng Ngoại Giao phụ trách Viễn Đông Vụ tiết lộ, chính ông Thuần đã tung tin ông Nhu hút thuốc phiện nhiều, và đã trở nên điện loạn. Một số nhân vật quan trọng trong Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng đã lựa chọn ông Thuần,  để đưa ông ta lên ghế Thủ Tướng. (Biến Cố chính Trị Việt Nam Hiện Đại. Trang 237)
Riêng Tổng Thống Diệm, lúc này ông đã biết rất rõ về một âm mưu đảo chánh lật đổ chế độ và sự an nguy của cá nhân mình. Nhưng ông vẫn cương quyết bảo vệ đến cùng chủ quyền Quốc Gia, như lời ông tâm sự với ông Võ Như Nguyện dịp ghé về chào thăm thân mẫu,  nhân một chuyến kinh lý vùng Cao Nguyên vào tháng 9. 1963, mà tôi được ông kể lại như sau đây:
Lời Tổng Thống Diệm: "Trên trường quốc tế, Hoa Kỳ đang cải tổ mọi kế hoạch cần thiết về chính trị,  Việt Nam cũng là một vấn đề mà Hoa Kỳ muốn thay đổi ít nhiều.
Chính trị gia Hoa Kỳ và tôi đã có nhiều lần đàm thoại và tranh luận quan trọng. Tôi đã thỏa mãn vài ba điều kiện và cũng không chịu chấp nhận những yêu cầu không thích hợp với chiều hướng của Đất Nước trong hiện tại.
Tôi biết những biến cố rắc rối có thể xảy ra, nhưng tôi vẫn giữ lập trường chính đáng của tôi. Những lời lẽ và cử chỉ cương nghị của tôi Hoa Kỳ không bằng lòng.
Dù gặp trường hợp khó khăn, gay cấn, hoặc nguy hiểm, tôi nhất quyết bảo tồn uy tín của Quốc Gia, của Dân Tộc, kể cả uy tín của Vị Nguyên Thủ Quốc Gia.
Năm 1961 Hoa Kỳ đã yêu cầu gửi Quân Đội sang chiến đấu trên đất nước ta. Nếu tôi nhượng bộ ngay lúc đó thì còn gì là Chính Nghĩa, con gì là Độc Lập.
Thủ đoạn của cường quốc,  đối phó cho chính đáng không phải là dễ dàng. Thể thống của Việt Nam, dù là một Tiểu Quốc, chẳng phải là nhỏ".
Suốt thời gian Tổng Thống tâm tình với tôi (ông Nguyện), từ 5 giờ chiều đến 10 giờ khuya, luôn có Sĩ Quan Tùy Viên Lê Châu Lộc đứng sau lưng Tổng Thống.
Tôi xin được mở dấu ngoặc ở đây để nói sơ qua về sự liên hệ giữa Tổng Thống Diệm và ông Võ Như Nguyện.
Ông Võ Như Nguyện là con trai trưởng của cụ Cử Võ Bá Hạp, một nhà hoạt động cách mạng cùng thời với Cụ Phan Bội Châu và là đồng chí thiết cốt của Cụ Phan. Khi Cụ Phan bị thực dân Pháp quản thúc tại Bến Ngự, ông Nguyện là một thiếu niên 15, 16 tuổi thường được thân phụ sai đến liên lạc, tiếp tế cho Cụ Phan. Ông đã thấy ông Ngô Đình Diệm lần đầu tiên tại nhà Cụ Phan. Và từ năm 1940, ông Nguyện đã theo giúp ông Diệm.
Càng gần đến thời điểm thực hiện cuộc đảo chánh, người Mỹ và nhóm Tướng lãnh âm mưu, càng áp dụng nhiều kế hoạch nhằm cô lập các nhà lãnh đạo chế độ. Một trong những kế hoạch ấy là gây nghi ngờ, chia rẽ nhau trong thành phần những người gần gũi với các vị lãnh đạo. Đồng thời làm cho các vị này giảm bớt hoặc mất lòng tin ở những người xung quanh mình. Trong số nạn nhân của kế hoạch này có tôi. Phần Trung Tá Phạm Thứ Đường, Chánh Văn Phòng ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, trong một dịp đến thăm ông tại Boston, ông Đường buồn rầu cho tôi biết, những ngày cuối cùng trước đảo chánh, ông đã bị một vài anh em nghi ngờ, dè chừng. Ông Dương Văn Hiếu, Trưởng Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung, người có công đem lại kết quả "kỳ diệu" cho chính sách "Cải Tạo Và Sử Dụng Những Người Kháng Chiến Cũ" của ông Cẩn, cũng bị những hiểu lầm "nhức đầu" ngay từ phía ông Cẩn.
Về trường hợp của tôi, ngày 20. 10. 1963 tôi nhận được lệnh Tổng Thống gọi vào trình diện. Vào Sài Gòn ngày 22, sáng 23 tôi đến Dinh Gia Long xin trình diện Tổng Thống mà quên rằng ngày này là ngày kỷ niệm mừng kết quả Trưng Cầu Dân Ý 23 và Quốc Khánh 26 tháng 10. Tôi ngồi đợi trong Phòng Sĩ Quan Tùy Viên từ 9 giờ sáng đến hơn 12 giờ trưa. Ngoại Giao Đoàn, Phái Đoàn Chính Phủ, Quốc Hội và các cơ quan đoàn thể vào chúc mừng Tổng Thống liên tục, nên không có giờ nào hở để tôi có thể vào trình diện ông. Đại Úy Lê Châu Lộc Sĩ Quan Tùy viên nói với tôi: Lịch tiếp khách của Tổng Thống hôm nay phải đến 3 giờ 30 mới dứt. Anh về ăn trưa nghỉ ngơi, chừng 3 giờ lên lại thì vừa.
Nghe lời Đại Úy Lộc, 3 giờ chiều tôi lên lại Dinh Gia Long. Vừa tới Phòng Sĩ Quan Tùy Viên thì tôi thấy Tướng Tôn Thất Đính hướng dẫn Phái Đoàn Quân Đoàn III từ trong phòng khách Dinh Gia Long đi ra.
Thấy tôi, Tướng Đính bước nhanh lại nắm hai vai tôi lắc mạnh:
- Bác vô răng chừ?
- Thưa Thiếu Tướng tôi vô bữa qua.
- Vô mần chi rứa?
- Thưa Tổng Thống kêu vô trình diện, tôi chưa được gặp nên chưa biết chuyện gì.
Tướng Đính nói dồn dập: "Được gặp bác ở đây may quá. Tôi có chuyện rất cần muốn nói với bác". Và ông chụp cuốn sổ trên bàn Sĩ Quan Tùy Viên, ghi số điện thoại, xé tờ giấy đưa cho tôi, ông nói:
- Đây là số điện thoại của tôi tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn. Sau khi bác gặp Tổng Thống,  bất cứ giờ nào, gọi cho tôi ở số điện thoại này, tôi sẽ gặp bác ngay.
Tiếp khách xong. Tổng Thống nghỉ ngơi ít phút, 4 giờ, sau khi trình, Đại Úy Lộc dẫn tôi vào. Tổng Thống ngồi trước bàn làm việc, tôi tới gần đứng nghiêm chào xưng tên tên trình diện theo kiểu nhà binh. Không ngước lên nhìn tôi, với giọng lạnh lùng ông hỏi:
- Nghe nói ở ngoài nớ anh liên lạc với Mỹ nhiều lắm phải không?
Tôi thoáng nghĩ trong đầu, tình hình này mà đứa nào đánh mình cú đòn này thì độc thật. Nhưng tôi bình tĩnh thưa lại:
- Kính thưa Tổng Thống,  ở ngoài nớ, vì con có biết năm ba tiếng Mỹ, nên mỗi khi người Mỹ họ có điều chi muốn hỏi ý kiến ông Cậu, họ đều đến với con. Và khi ông Cậu có điều chi muốn nói mới họ, thì con cũng phải đến với họ.
- Anh thấy thái độ của họ ra răng?
- Kính thưa, như Tổng Thống đã biết, ngay từ khi vụ cờ Phật Giáo xảy ra, thái độ của họ rõ ràng ngả về phía chống đối.
Thấy Tổng Thống có vẻ suy nghĩ, không nói gì, tôi trình tiếp:
- Kính thưa Tổng Thống, tuy vậy nhưng hồi giữa tháng 9 mới rồi, họ có cho người ra nhờ ông Cậu con trình xin Tổng Thống thay đổi. . . Tôi vừa nói đến đó thì Tổng Thống đập mạnh tay xuống bàn, dằn tiếng nói với vẻ rất tức giận.
- . . .  Đất nước mình chứ đất nước chi họ mà họ muốn mần chi thì mần. Mai mốt tôi đuổi đi hết cho coi.
Chừng một phút sau, cơn giận hạ, Tổng Thống dịu giọng nói:
- Bữa ni gọi anh vô là có ý cho anh biết, ý tôi muốn cho chú Cẩn ngoài nớ nghỉ ngơi,  đừng mần việc chi nữa. Ngoài nớ trước kia có công việc bên Lào, bây chừ tình hình bên Lào như rứa mình mô có mần chi được nữa. Chú Cẩn thì đau lui đau tới hoài. Tôi muốn cho chú ấy đi nghỉ một thời gian. Các anh trước ở mô chừ về lại nấy thôi.
Thấy "tình hình" có vẻ thuận lợi tôi trình luôn:
- Kính thưa Tổng Thống, nếu Tổng Thống đã quyết định như vậy thì xin cho con được giải ngũ. Vì khi vào lính còn được đào tạo theo lối Pháp, nay Quân Đội của mình đã được huấn luyện theo lối Mỹ. Nếu trở về lại Quân Đội mần răng con chỉ huy được. Tổng Thống không trả lời điều tôi xin mà lại hỏi:
- Năm nay anh mấy tuổi?
- Kính thưa Tổng Thống năm nay con 35 tuổi.
- Còn trẻ quá, giải ngũ mần chi. Để đó ta lo cho. Ừ, thôi về trình cho chú Cẩn biết tôi quyết định như rứa.
Không biết Tổng Thống có biết cách làm việc của ông Cẩn không, nhưng tôi không thấy ông nói gì rõ ràng về phía Hành Chánh của ông Hồ Đắc Trọng.
Tôi xin được mở dấu ngoặc ở đây để nói tóm tắt về lý do Tổng Thống Diệm quyết định giải tán bộ phận văn phòng của ông Cẩn do tôi phụ trách, mà tôi chỉ mới được biết cách đây ít năm.
Năm 1996 hay 1997 gì đó, tôi không nhớ chính xác cựu Đại Tá Nguyễn Mâu đã viết một bài đăng trên một nhật báo tại San Jose, nơi ông định cư. Qua bài báo này ông Mâu xin lỗi tôi vì ông đã nhận xét và báo cáo sai lầm về tôi với Tổng Thống Diệm.
Số là, trước khi xảy ra cuộc đảo chánh 1.11.1963 chừng ba bốn tháng, Thiếu Tá Mâu từ Sài Gòn được đưa ra giữ chức Tỉnh Trưởng Thừa Thiên, Thị Trưởng Huế. Thời gian ngắn sau,  ông thấy tại văn phòng ông Cẩn có hai người là ông Hồ Đắc Trọng và tôi, nhưng chỉ có tôi hay giao thiệp với người Mỹ. Dựa vào lý lịch của tôi, ông Mâu nghi ngờ tôi đã bị người Mỹ mua chuộc. Việc tôi hay liên lạc với người Mỹ trong tình hình lúc ấy là điều đáng nghi ngờ có hại cho chế độ. Ông đã trình Tổng Thống Diệm nhận xét của ông và đề nghị đưa tôi đi khỏi Huế.
Nghe lời ông Mâu báo cáo, Tổng Thống Diệm gọi tôi vào trình diện và tỏ rõ thái độ nghi ngờ lòng trung thành của tôi đối với ông qua việc trả tôi về lại Quân Đội.
Chắc hẳn có không ít anh em bị rơi vào tình trạng như tôi, nhưng những người báo cáo sai lầm lại không có được sự can đảm và ngay thẳng nói ra sự thật như cựu Đại Tá Nguyễn Mâu. Tôi xin thành thật cám ơn cựu Đại Tá Nguyễn Mâu đã giải tỏa cho tôi điều thắc mắc luôn vấn vương trong tôi từ mấy chục năm qua.
Ra khỏi Phòng Tổng Thống, nhớ lời Tướng Đính nói cần gặp, tôi vào Phòng Sĩ Quan Tùy Viên mượn điện thoại gọi cho ông.  Ông mời tôi về tư dinh ở số 5 Đường Nguyễn Du.
Từ Dinh Gia Long tôi lái xe thẳng đến số 5 Nguyễn Du được Đại Úy Nguyễn Duy Nghệ Tùy Viên của Tướng Đính đứng đón ngoài cổng. Anh Nghệ dẫn tôi vào phòng khách.  Hai anh em chúng tôi vừa ngồi nói chuyện với nhau chừng 5 phút thì Tướng Đính về tới. Ông kéo tay tôi dẫn lên lầu, đưa vào phòng ngủ của ông, đóng cửa lại và nói cách rất tâm tình:
"Bữa ni được gặp bác tôi mừng quá, vì có điều bực bội trong lòng mà không dám nói với ai. Khi giao cho tôi làm Tổng Trấn Sài Gòn-Gia Định,  ông Cụ và ông Cố Vấn (Nhu) hứa sau khi xong việc sẽ cho tôi lên Trung Tướng.  Đến nay mọi việc đã giải quyết tốt đẹp thì hai ông làm lơ không nói chi đến chuyện đó cả làm cho tôi bị kẹt. Một bên thì gia đình trách móc tiô là phản bội bà con, một bên thì bạn bè chúng nó chửi tôi ham tiền ham chức đàn áp Phật Giáo. Tôi vừa mắc cỡ vừa bực mình. Trong khi thấy tình hình càng lúc càng nguy hiểm và không biết nói với ai. Nếu ông Cụ và ông Cố Vấn cứ đưa tình hình kéo dài như ri, thì thế nào cũng xảy ra đảo chánh. Mà có đảo chánh thì Ba Đính phải tham gia để cứu anh em, nếu không thì chết hết".
Ông nói khá nhiều nhưng tôi thấy chung quy nhất vào hai điểm
1.  Không được lên Trung Tướng
2.  Tham gia đảo chánh.
Tôi hiểu ý ông muốn dò xem ông Cẩn cho tôi vào gặp Tổng Thống về chuyện gì. Vì trước đó ít ngày ông đã ra gặp ông Cẩn một các chớp nhoáng. Có lẽ ông sợ ông Cẩn cho tôi vào trình ông Diệm câu chuyện ông đã trình với ông Cẩn trong cuộc gặp gỡ chớp nhoáng này.  Nhưng ông lại khéo léo không đề cập tới việc tôi vào gặp Tổng Thống. Nương theo sự khéo léo của ông tôi cũng lờ luôn, không đả động gì đến chuyện ấy.
Nghe Tướng Đính tâm sự, mặc dầu lúc đó trong đầu tôi đang quay cuồng nhiều ý nghĩ khó tả về thái độ của Tổng Thống Diệm đối với tôi khi tôi vào trình diện ông. Một ý nghĩ đậm nét nhất là tôi thấy suốt 10 năm được biết và làm việc với ông Ngô Đình Cẩn, trong đó có 8 năm làm việc bên cạnh ông, có lúc vui có khi buồn, đến giờ này lòng ngay thẳng của mình vẫn không được "bảo chứng". Tuy nhiên, may mắn tôi vẫn còn đủ bình tĩnh suy xét đắn đo tự nhủ,  không thể hành động trái với những gì mình đã được biết về họ theo lương tâm một người Công Giáo. Tôi cố gạt qua một bên các ý nghĩ đang nhào lộn trong đầu, uốn ba tấc lưỡi để trần tĩnh ông Đính.
Tôi nói với ông:
- Theo tôi, điều ông Cụ và ông Cố Vấn hứa với Thiếu Tướng trước sau gì cũng sẽ có.  Tôi nghĩ sở dĩ hai ông chưa gắn lon Trung Tướng cho Thiếu Tướng là vì muốn giữ uy tín cho Chính Phủ cũng như cho chính Thiếu Tướng. Vừa mới xong việc mà thăng cấp cho Thiếu Tướng ngay thì sẽ bị hiểu lầm là Chính Phủ dùng chức quyền mua chuộc Thiếu Tướng để đàn áp Phật Giáo. Còn với Thiếu Tướng, những người chống đối sẽ hô hoán lên Thiếu Tường là tay sai, là tên đánh mướn. Thiếu Tướng thừa biết từ Tá lên Tướng mới khó. Vậy mà với Đại Tá Tôn Thất Đính chỉ từ 6 giờ chiều bữa trước đến 6 giờ sáng bữa sau là đã có 2 sao rồi. Xin Thiếu Tướng hãy bình tĩnh, tôi sẽ cố gắng bằng mọi cách làm cho ông Cụ và ông Cố Vấn hiểu hoàn cảnh của Thiếu Tướng. Riêng ông Cậu, về lại Huế tôi sẽ trình cho ông biết ngay chuyện này,  để ông có thể can thiệp với ông Cụ và ông Cố Vấn cho Thiếu Tướng càng sớm càng hay. Còn việc Thiếu Tướng sẽ tham gia đảo chánh nếu việc ấy xảy ra. Theo tôi nghĩ, bất cứ một cuộc binh biến nào xảy ra ở Sài Gòn này mà không có Thiếu Tướng tham dự, tôi e khó thành công được. Vì ngoài Thiếu Tướng ra, quanh đây ai có đủ lực lượng làm chuyện ấy?Một lần nữa tôi xin Thiếu Tướng bình tĩnh và suy nghĩ cho thật thấu đáo về mọi quyết định của Thiếu Tướng trong lúc này. Vì theo chỗ tôi biết, tương lai của Thiếu Tướng còn dài và sáng sủa lắm.
Khi tôi cáo biệt ra về, tiễn tôi ra đến cửa ông hỏi:
- Khi mô bác về lại Huế?
- Thưa tôi còn ở lại qua ngày Quốc Khánh, sáng 27 tôi mới về.
Trên đường lái xe về nhà người bà con ở trước Trường đua Phú Thọ, tôi suy nghĩ miên man cố tìm xem vì lý do gì mà Tướng Đính lại thổ lộ tâm tình với tôi một cách khá chân thành như vậy? Đem chuyện tham gia đảo chánh để hù dọa câu móc cặp lon Trung Tướng? Đem chuyện ông cho là thất hứa của ông Diệm và ông Nhu sang tai ông Cẩn, mong ông Cẩn can thiệp như đã can thiệp cho ông lên Thiếu Tướng, để sớm được thỏa mãn tự ái? Nhưng ông mới gặp ông Cẩn đây, không lẽ ông không biết con đường từ Phú Cam vào đến Dinh Gia Long "băng tuyết" đã đóng khá dày rồi!?
Buổi tối đi ăn cơm tối với Đại Tá Lê Quang Tung tại nhà hàng Chung Nam bên cạnh trụ sở Quốc Hội, chúng tôi vào ngồi trong một phòng nhỏ. Tôi cho ông Tung biết kết quả việc tôi gặp Tổng Thống Diệm, nhưng không hé lộ tâm trạng buồn phiền của tôi lúc ấy. Tôi bình thảm trao đổi với ông Tung một số sự kiện liên quan đến tình hình sôi động lúc bấy giờ. Tiếp theo tôi kể lại chi tiết câu chuyện và thái độ của Tướng Đính khi tâm tình với tôi. Tôi đề nghị ông Tung trình gấp với Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu, gắn lon Trung Tướng cho ông Đính nhân ngày Quốc Khánh sắp đến.
Về thái độ của ông Đính,  ông tung nói:
- Tính ông Đính anh biết mà, bô lô ba la vậy thôi chứ không có chi mô.
- Tôi biết anh hiểu ông Đính hơn tôi. Nhưng lần này tôi thấy thái độ của ông ấy không phải bô lô bô la kiểu bốc đồng như anh em mình thường thấy đâu. Anh cần quan tâm trường hợp của ông Đính lúc này. Theo tôi, ông Cụ và ông Cố Vấn đã hứa thì trước sau gì cũng phải thực hiện lời hứa. Chi bằng xin hai ông thực hiện lời hứa với ông Đính ngay lúc này đi để trừ mối họa mà anh em mình đang lo nghĩ.
- Anh yên chí đi. Mình đã có đầy đủ tin tức về nhóm phản loạn. Có kế hoạch đối phó,  đợi được chấp thuận là thực hiện thôi.
Sáng hôm sau (24. 10) Tướng Trần Văn Đôn, Tư Lệnh Lục Quân, cho Đại Úy Phạm Văn Tuy (còn ở Việt Nam) Chánh Văn Phòng của ông đến đón tôi lên gặp ông tại Bộ Tư Lệnh Lục Quân. Tướng Đôn lúc này nắm Quyền Tổng Tham Mưu Trưởng, vì Đại Tướng Lê Văn Tỵ đi chữa bệnh tại Hoa Kỳ. Vào gặp Tướng Đôn ông hỏi tôi:
- Anh Minh đã biết ông Cụ cho anh đi đâu chưa?
- Thưa Trung Tướng chưa. Chiều bữa qua khi tôi xin giải ngũ, ông Cụ không cho và nói là để ông lo cho, nhưng không biết là lo thế nào.
- Chiều bữa qua ông Cụ gọi tôi bảo cho anh về Trường Đà Lạt một thời gian, quan sát Sinh Viên Sĩ Quan học tập cho biết cách thức chỉ huy theo lối Mỹ. Tôi gọi báo cho thằng Huyến, nó sợ quá nói: "Chết cha! Không biết chuyện chi mà lại cho ông Minh lên theo dõi tôi". Tôi cười và nói với nó: "Yên tâm, sự việc không phải như thế đâu".
Lúc ấy tôi chưa hiểu tại sao ông Huyến lại lo sợ khi hay tin tôi được tuyên chuyển về Trường Đà Lạt. Sau này tôi mới biết, khi ấy Đại Tá Huyến đã nằm trong tổ chức đảo chánh của Tướng Đôn rồi.
Tướng Đôn hỏi tiếp:
- Anh muốn khi nào lên Đà Lạt?
- Thưa Trung Tướng, 27 này tôi về lại Huế, sắp xếp công chuyện, thu dọn đồ đạc, thu xếp phương tiện chuyên chở v. v. . . chắc cũng mất 4, 5 bữa. Đưa vợ con tôi vô đây lo nơi ăn ở,  học hành cho các cháu cũng phải mất chừng mười ngày. Xin Trung Tướng cho khoảng 10 tháng 11 tôi trình diện Trường Đà Lạt.
- Được, tôi sẽ cho làm Sự Vụ Lệnh để anh trình diện Trường Đà Lạt ngày 10. Sau khi vô đây nếu thấy cần thêm thời gian, anh cho tôi biết.
Chiều 26 tháng 10, Tướng Đính lại cho xe đón tôi lên nhà và như lần trước, ông cũng dẫn tôi lên phòng ngủ nói lại những điều tâm tình đã thổ lộ. Buổi tối về nhà người bà con, qua điện thoại tôi cho Đại Tá Tung biết sự kiện này, và nhấn mạnh với ông về việc trình xin Tổng Thống Diệm gắn lon Trung Tướng gấp cho ông Đính. Thấy tôi có vẻ nôn nóng, Đại Tá Tung nói:
- Anh cứ yên chí về đi, tôi sẽ thu xếp gấp việc này và sẽ tin cho anh biết kết quả.
Ngày 27 về lại Huế tôi vào trình cho ông Cẩn biết quyết định của Tổng Thống Diệm,  ông ngồi lặng thinh một lúc rồi hỏi:
- Vô trong nớ rồi vợ con chú nhà cửa mô mà ở?
- Thưa Cậu lúc này con cũng chưa biết nên đem theo vợ con lên Đà Lạt hay để lại ở Sài Gòn. Nhưng ở đâu thì cũng có Cư Xá Sĩ Quan.
- Xin được cư xá mà ở có dễ không? Không chi bằng có một căn nhà riêng của mình mà ở. Vô trong nớ kiếm căn mô vừa vừa cỡ năm trăm ngàn, đến Đặng Văn Quốc mượn tiền mua lấy một căn. Tôi sẽ trả lại anh ta sau.
Rất tiếc tình cảm của ông Cẩn dành cho gia đình tôi mãi mải vẫn là tình cảm. Vì thời thế đổi thay ông không kịp có cơ hội giúp chúng tôi.
Sáng 28 khi thu dọn văn phòng thấy còn mấy việc cần xin chỉ thị của ông Cẩn. Tôi xuống tìm ông thì gặp Tướng Trần Văn Đôn từ trong nhà đi ra, ông nói với tôi: Moa ra mừng sinh nhật ông Cậu, bây giờ moa phải bay vô Nha Trang phơi cặp giò, mấy tháng nay cặp giò nhức quá. Sau này trong một dịp gặp lại ông ở Sài Gòn, ông cho tôi biết chuyến đi Nha Trang của ông hôm ấy, không phải để phơi cặp giò, mà là để cho Đại Tá Nguyễn Vĩnh Xuân biết ngày giờ phát khởi cuộc đảo chánh.
Sáng 30, khoảng 10 giờ, văn phòng Tướng Đỗ Cao Trí liên lạc xin cho Tướng Khánh vào gặp ông Cẩn nội trong sáng nay vì ông phải về lại Pleiku trong ngày. Tôi mời Tướng Khánh đến ngay và lên đón ông trước sân nhà ông Cẩn. Tướng Khánh đến ôm theo bó bông Lay-ơn khá lớn, ông nói với tôi: "Bữa nay trên Cao Nguyên mưa lớn mây thấp quá, moa phải tự lái máy bay lấy để ra cho kịp mừng sinh nhật ông Cậu". (Sinh nhật ông Cậu nhằm ngày 1. 11).
Sau khi Tướng Khánh ra về, ông Cẩn bảo tôi đem một chai champange và hai cái tré qua nhà Tướng Trí nói với hai Tướng Trí và Khánh: "Ông Cậu biếu hai Thiếu Tướng dùng cho vui".
Phần Đại Tá Lê Quang Tung, có lẽ ông biết tâm trạng của tôi đang hết sức quan tâm đến việc giải quyết tình trạng của Tướng Đính. Trưa ngày 30 tháng 10, qua văn phòng của Lực Lượng Đặc Biệt tại Huế, ông gửi cho tôi một điện văn với nội dung:
"Trong này tất cả anh em đã gặp nhau, có cả anh Đính. Rất vui vẻ. Anh yên tâm". 

Ngày 1 tháng 11 hàng năm là ngày lễ kính các Thánh của người Công Giáo. Dưới chế độ Đệ I Cộng Hòa, ngày lễ này cũng như ngày Khổng Tử, ngày Thích Ca thành đạo, tất cả các cơ quan công quyền được nghỉ nửa ngày. Buổi chiều, khoảng 3 giờ, tôi ra nhà Bưu Điện gửi điện tín cho người bà con ở Sài Gòn, nhờ đón gia đình tôi tại Phi Trường Tân Sơn Nhất chiều hôm sau (2.11). Tôi vừa bước vào nhà Bưu Điện, ông Trưởng Ty vội đến gần nói nhỏ: "May mắn quá Đại Úy ra đúng lúc. Mời Đại Úy vô văn phòng, tôi vừa nhận được một điện tín hỏa tốc, mà không biết thật hay giả nên chưa dám cho đem lên văn phòng". Vào văn phòng, ông Trưởng Ty rút từ hộc kéo ra đưa cho tôi một điện tín và nói: "Đại Úy coi giùm xem điện tín này thật hay giả"?

Tôi cầm đọc, điện tín mang nội dung: "Thủy Quân Lục Chiến làm phản. Nhưng vẫn giữ vững tình hình". Bên dưới ký tên Bằng. Đọc xong, tôi nói với ông Trưởng Ty: Tôi biết ông Bằng, tôi nhận bức điện này (ông Bằng là sĩ quan hầu cận của Tổng Thống Diệm). Cầm bức điện tín tôi lái xe về thẳng nhà ông Cẩn,  đọc cho ông nghe và hỏi ông:
- Thưa Cậu, bây giờ Cậu quyết định thế nào? Hay giải quyết như hồi năm 1960?
Trong vụ binh biến 11.11.1960, các Tư Lệnh Quân Đoàn, Sư Đoàn đều vắng mặt. Theo lệnh của ông Cẩn, tôi mời Đại Tá Trần Văn Trung (sau này là Trung Tướng, hiện định cư tại Pháp) đang phụ trách Thanh Niên Cộng Hòa tại miền Trung nắm quyền Tư Lệnh Sư Đoàn I,  Thiếu Tá Nguyễn Ấm. Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 6 của Sư Đoàn II nắm quyền Tư Lệnh Sư Đoàn này.
Nhưng lần này ông bảo tôi:
- Chú liên lạc với ông Trí xem sao.
Khi trở ra, tôi cho Đại Úy Tôn Thất Độ, Trưởng Toán An Ninh tư dinh biết tình hình và dặn ông cho tăng cường canh gác cẩn thận hơn. Lên văn phòng tôi liên lạc ngay với Tướng Trí, lúc này ông đang nắm chức Tư Lệnh Quân Đoàn và ngồi ở Đà Nẵng. Tướng Trí cho biết,  ông không liên lạc được với Sài Gòn vì mọi đường dây của ông đều bị cắt. Ông đang cố gắng thiết lập một đường dây đặc biệt. Cố gắng dùng đường dây tôi thường liên lạc với Sài Gòn qua Tiểu Đoàn 1 Truyền Tin, đường dây cũng bị cắt.
Sau khi nghe được lời hiệu triệu đồng bào của Tổng Thống do Đài Phát Thanh loan tải lúc khoảng 4 giờ rưỡi chiều, ông Hồ Đắc Trọng và một vài viên chức chính quyền và dân sự tập trung đến văn phòng. Mọi người đều nôn nóng muốn được biết tình hình tại Sài Gòn,  nhưng không làm sao có thể có được bất cứ một tin tức nào. Suốt buổi chiều và tối hôm đó tôi liên lạc với Tướng Trí rất nhiều lần, lần nào cũng được ông trả lời "tôi vẫn chưa liên lạc được với Sài Gòn". Đường dây liên lạc của Tòa Đại Biểu Chính Phủ, Tòa Tỉnh Trưởng tất cả đều bị cắt.
Đến khoảng 11 giờ 30 khuya, Tướng Trí gọi điện thoại cho tôi,  ông nói: "T ôi vừa nhận được điện thoại của ông Đính,  ông nói tôi tin cho anh nhờ anh trình với ông Cố Vấn: Trong Sài Gòn anh em đã thi hành lệnh của ông Cố Vấn". Tôi xuống trình lại ông cẩn lời nhắn trình của Tướng Đính trên đây,  ông nói với tôi: "R ứa thì được rồi. Chú yên trí về đi ngủ đi". Và ông cũng đi vào phòng ngủ.
Trở lên văn phòng tôi chuyển cho số anh em đang có mặt, lời của ông Cẩn. Chúng tôi giải tán ra về, tuy chưa biết chuyện gì xảy ra tại Sài Gòn theo thông báo của Tướng Đính.  Nhưng mọi người cũng được yên tâm phần nào trước thái độ bình tĩnh của ông Cẩn.
Sáng hôm sau, thứ bảy, ngày 2 tháng 11, tôi đang chuẩn bị lên văn phòng để liên lạc với Tướng Trí xem tình thế nào thì chuông điện thoại trong nhà tôi reo. Lúc ấy khoảng 8 giờ 30. Tôi nhấc điện thoại lên:
Đại Úy Minh tôi nghe.
Người ở đầu dây bên kia nói: Đại Úy chờ máy có Thiếu Tướng Tư Lệnh nói chuyện.
- Thiếu Tướng Trí đây anh Minh.
- Kính chào Thiếu Tướng, Đại Úy Minh tôi nghe.
- Tôi vừa được Hội Đồng Tướng Lãnh cho biết Tổng Thống và ông Cố Vấn Nhu đã tự tử. Hội Đồng nhờ tôi chuyển lời chia buồn tới ông Cố Vấn (Cẩn), và hứa sẽ bảo đảm an ninh hoàn toàn cho ông Cố Vấn. Nhờ anh trình lại cho ông Cố Vấn rõ. Riêng tôi, tôi xin thành thật chia buồn với ông Cố Vấn, và sẽ bảo đảm sự an toàn cho ông Cố Vấn và gia đình.
- Thưa Thiếu Tướng tôi nghe rõ. Cám ơn Thiếu Tướng.
Bỏ điện thoại xuống, tôi vội ra xe lái lên nhà ông Cẩn. Vào đến sân, ông Cẩn đã ngồi đó trên một ghế sa lông bằng ny lông, có Cha Thuận (Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận) cháu ông đứng bên cạnh. Tôi tới gần trình ông hung tin. Ông tỏ vẻ sửng sốt nói:
- Răng lại có thể như rứa được !?
- Thưa Cậu, ông Cụ và ông Cố Vấn không thể nào tự tử được. Nhưng họ đã chính thức báo cho mình như vậy, thì chắc hẳn đã có chuyện gì xảy ra cho ông Cụ và ông Cố Vấn rồi.
Ông không nói gì thêm, đứng dậy đi vào trong nhà. Cha Thuận đứng lại với tôi ít phút rồi ngài cũng vào trong nhà. Tôi trở ra, lên văn phòng, mấy anh em trong văn phòng đang có mặt, tôi cho anh em ai về nhà nấy đợi xem tình hình rõ ràng ra sao.  

1.  Tháng 6 năm 1995 nhân một chuyến đến Boston, tôi đến thăm Trung Tá Phạm Thứ Đường, được ông kể lại câu chuyện sau đây:

Cuối tháng 10. 1963, Dinh Gia Long được một Tòa Đại Sứ bạn cung cấp danh sách một số Tướng cầm đầu âm mưu đảo chánh như: Trần Văn Đôn, Dương Văn Minh, Lê Văn Kim, Mai Hữu Xuân, Đại Tá Đỗ Mậu. . . Một kế hoạch hành quân liền được thiết lập để vô hiệu hóa nhóm mưu phản này. Kế hoạch đã được Tổng Thống chấp thuận. Không may, cùng thời gian này, ông Châu (Trung Tá Nguyễn Văn Châu Trưởng Phòng Tùy Viên Quân Sự tại Hoa Thịnh Đốn) từ Mỹ về dự đám tang người em là Linh Mục Nguyễn Văn Soan thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn bị tử nạn xe hơi. Ông Đỗ Mậu khi ấy có lẽ cảm thấy âm mưu tạo phản của ông đã phần nào bị lộ. Ông níu kéo, kể lể với ông Châu rằng ông bị một vài "anh em" ghét, bịa đặt báo cáo với Tổng Thống và ông Nhu, rằng ông âm mưu làm phản. !
Ông nhờ ông Châu thanh minh với Tổng Thống và ông Nhu giùm.
Ông Châu hoàn toàn tin tưởng ông Mậu, đã nặng lời phiền trách tôi (Đường) và số anh em trong này (Sài Gòn), về việc đối xử với ông Mậu. Đồng thời ông xin trình diện Tổng Thống và ông Nhu để trình bày sự việc, nhưng cả hai nơi đều từ chối không tiếp ông. Ông Châu liền viết một bức thư dài, kể lể tình tiết quãng đời ông và ông Mậu theo phò Tổng Thống từ những ngày còn hàn vi. Cuối cùng ông Châu xin Tổng Thống: "Kính thưa Tổng Thống, suốt 17 năm anh Mậu đã cùng với con, chúng con theo phò và đã hết lòng phục vụ Tổng Thống qua bao nhiêu giai đoạn khó khăn nguy hiểm. Nay không lẽ ngày một ngày hai anh Mậu lại quay lại phản Tổng Thống. Kính xin Tổng Thống bình tĩnh xét lại cho, kẻo oan cho một cán bộ đã góp nhiều công lao trong công cuộc xây dựng chế độ". Sau khi đọc thư của ông Châu, Tổng Thống phê: "Hủy bỏ hành quân".
Chuyện xin Tổng Thống Diệm cho ông Mậu trên đây, cũng được Trung Tá Châu kể lại với Thiếu Tá Nguyễn Hữu Duệ, Tư Lệnh Phó kiêm Tham Mưu Trưởng Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Tổng Thống Phủ (cấp bậc sau cùng là Đại Tá, hiện ở San Diego, California), dịp hai ông gặp nhau trong bữa cơm Trung Tá Nguyễn Ngọc Khôi Tư Lệnh Lữ Đoàn khoản đãi ông Châu sau ngày đảo chánh 1.11.1963.
2.  Vào những tháng cuối trước ngày 1.11.1963, giữa anh em Tổng Thống Diệm đã không có được sự đồng nhất ý kiến trong kế hoạch đối phó với tình hình lúc ấy. Nhưng theo tôi biết không có chuyện ông Ngô Đình Cẩn nhắn qua Đại Tá Lê Quang Tung bảo ông Đính làm đảo chánh, như ông Đính đã trả lời phỏng vấn của Đài Truyền Hình Little Sài Gòn TV tại Orange County, California tối ngày 1. 12. 2001.
3.  Cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963,  được tổ chức chặt chẽ và tinh vi hơn cuộc binh biến ngày 11.11.1960 nhiều. Nhưng về tình hình hoạt động và khả năng của lực lượng đảo chánh trong khu vực Sài Gòn cũng như tại Bộ Tổng Tham Mưu, từ lúc tiếng súng đầu tiên nổ cho đến chiều ngày 2 tháng 11 thì không hơn gì. Cựu Đại Tá Nguyễn Hữu Duệ, một người bạn thân tôi quen biết từ lâu, chúng tôi đã cùng làm việc với nhau tại Bộ Tham Mưu Tổng Cục Chính Tranh Chính Trị từ năm 1965 đến 1973. Ngày 1.11.1963, cựu Đại Tá Duệ là Thiếu Tá Tư Lệnh Phó Lữ Đoàn Phòng Vệ Tổng Thống Phủ kiêm Tham Mưu Trưởng. Ông Duệ kể lại về tình hình tại Sài Gòn suốt thời gian xảy ra đảo chánh như sau:
Lực lượng đảo chánh chỉ có Sư Đoàn 5 là chủ lực nhưng vẫn ở ngoài Sài Gòn, và theo tôi nghĩ, dù lực lượng này có vào được Sài Gòn cũng khó mà tấn công được Dinh Gia Long.
Khi tiếng súng đảo chánh bắt đầu nổ, binh sĩ Lữ Đoàn quan sát thấy hai Đại Đội Thủy Quân Lục Chiến dàn quân trên Đường Hồng Thập Tự và Nguyễn Bỉnh Khiêm trong tư thế chuẩn bị tấn công vào Thành Cộng Hòa, họ liền bắn súng chỉ thiên cảnh cáo hai Đại Đội này.  Lúc đó Dinh Gia Long không bị lực lượng nào tấn công cả. Và khi theo dõi hành động của hai Đại Đội Thủy Quân Lục Chiến trên đây, Trung Úy Bảo, Trưởng Phòng 5 Lữ Đoàn, nhận ra mấy sĩ quan của hai đơn vị này là Sinh Viên Sĩ Quan Trường Võ Bị Đà Lạt thời gian ông là huấn luyện viên tại đó. Ông xin tôi (Thiếu Tá Duệ) cho ông ra gặp để thuyết phục, đưa họ vào gặp tôi. Chấp thuận đề nghị của Trung Úy Bảo, tôi cho một Chi Đội Thiết Giáp và hai Trung Đội bộ binh bảo vệ đưa ông ra gặp cấp chỉ huy của hai đơn vị trên.
Trung Úy Bảo đã thành công. Ông đưa hai vị Đại Đội Trưởng (Trung Úy) của hai Đại Đội Thủy Quân Lục Chiến nói trên vào gặp tôi. Họ cho tôi biết hai đơn vị của họ đang hành quân ở Tây Ninh thì được lệnh về bảo vệ Tổng Thống vì lính Lữ Đoàn làm phản.
Sau khi cho họ biết không hề có chuyện đó và cho họ coi khả năng tác chiến của Lữ Đoàn: Các súng đại liên bố trí trên các tầng lầu của Thành Cộng Hòa, lực lượng chiến xa và thiết giáp. . . tôi hỏi họ: Với vũ khí và chiến cụ như thế, nếu chúng tôi tấn công các anh, thì sự thiệt hại của hai Đại Đội của các anh sẽ ra sao? Và tôi đã gọi giây nói báo cáo sự việc với Tổng Thống trước mặt họ.
Thoạt đầu tôi định cho họ vào Thành để cùng anh em Lữ Đoàn bảo vệ Tổng Thống,  nhưng nghĩ lại, sợ khó chỉ huy vì Thủy Quân Lục Chiến có hệ thống chỉ huy riêng, nên tôi đã bỏ ý định ấy, và đề nghị họ tập trung anh em vào sân vận động Hoa Lư đợi lệnh. Lúc đó có một Chuẩn Úy Trung Đội Trưởng, con của một Hạ Sĩ Quan trong Ban Quân Nhạc của Lữ Đoàn xin cho Trung Đội của anh được ở lại để cùng binh sĩ Lữ Đoàn bảo vệ Tổng Thống, nhưng tôi cũng đã phải từ chối. Tất cả Quân Nhân của hai đơn vị này đã thi hành lệnh tập trung một cách nghiêm chỉnh, không có cử chỉ gì tỏ ra phản kháng cả.
Đến nửa buổi chiều, pháo binh của quân đảo chánh từ xa lộ bắn vào nhiều, tôi sợ có thiệt hại cho binh sĩ hai Đại Đội Thủy Quân Lục Chiến nói trên, nên tôi ra lệnh cho họ trở về doanh trại.
Sau khi giải quyết vụ hai Đại Đội Thủy Quân Lục Chiến, tôi gọi điện thoại lên Bộ Tổng Tham Mưu gặp anh rể tôi là Đại Úy Đoàn Bá Trí, làm việc tại Phòng 4 và người em họ, Thiếu Úy Bùi Xuân Đáng, Sĩ Quan Quân Cảnh Bộ Tổng Tham Mưu, hai người này cho tôi biết, lực lượng đảo chánh chẳng có đơn vị nào cả chỉ có khoảng hai Đại Đội tân binh quân dịch của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, và một số Thiết Vận Xa, nhưng không nhiều và có vẻ chưa sẵn sàng, có mấy chiếc còn đang đổ xăng bằng thùng xăng nhỏ 20 lít.
Tôi trình lên Tổng Thống tình hình trên đây tại Bộ Tổng Tham Mưu và đề nghị: Xin Tổng Thống dời Dinh Gia Long qua Dinh Độc Lập vì bên đó dễ phòng thủ hơn, và cho phép tôi bỏ Thánh Cộng Hòa, tập trung một số lực lượng lên tấn công thẳng vào Bộ Tổng Tham Mưu mời các Tướng lãnh về trình diện Tổng Thống.
Tổng Thống không chấp thuận và chỉ thị cho tôi qua Sĩ Quan Tùy Viên, Đại Úy Đỗ Thọ:
"Bảo Duệ đừng nóng, Lữ Đoàn chỉ cần bảo vệ Thành Cộng Hòa và Dinh Gia Long, cố gắng tránh đừng để anh em binh sĩ phải đổ máu. Đánh vào Bộ Tổng Tham Mưu sẽ đổ vỡ sự thống nhất Quân Đội, mất tiềm năng chống cộng. Để Tổng Thống thu xếp với các Tướng lãnh".
Chừng một giờ sau, tôi xin phép Tổng Thống cho chiếm lại Đài Phát Thanh, được Tổng Thống chấp thuận, tôi cử Đại Đội 2 do Đại Úy Xuân chỉ huy và một Chi Đội thiết giáp ra chiếm lại Đài Phát Thanh, họ đã chiếm được tầng dưới Đài một cách dễ dàng. Trong khi tôi còn đang phân vân, chưa quyết định cho tấn công lên tầng trên vì sợ hư máy móc, thì Trung Tá Nguyễn Văn Thiện, Chỉ Huy Trưởng Thiết Giáp Binh đem theo một số xe tăng đến Đài, với tư cách Chỉ Huy Trưởng Binh Chủng, ông ra lệnh cho Chi Đội thiết giáp của Lữ Đoàn ngưng cuộc tấn công, vì vậy mà Đại Úy Xuân không hoàn thành được nhiệm vụ.
Ngoài ra, được biết Tiểu Đoàn Biệt Động quân của Đại Úy Sơn Thương, bạn tôi, đang đóng ở Căn Cứ Chuyển Vận Sài Gòn đợi tàu ra Nha Trang để tái huấn luyện, tôi liên lạc với Đại Úy Thương để sử dụng đơn vị này, nhưng ông vắng mặt. Tôi liền nhờ em ruột tôi, Chuẩn Úy Nguyễn Sỹ Anh Trưởng Ban 3 Tiểu Đoàn thuyết phục các Sĩ Quan Đại Đội Trưởng của Tiểu Đoàn, họ rất mau mắn và hăng hái tham gia lực lượng chống đảo chánh. Được em tôi cho biết về tinh thần của họ, tôi đã cho xe chở họ về đóng tại Nha Bưu Điện trước Nhà Thờ Đức Bà để làm lực lượng trừ bị.
Tình hình trong Thành Phố Sài Gòn cho đến gần sáng ngày 2. 11, ngoài mấy Đại Đội Thủy Quân Lục Chiến di chuyển quanh khu vực, chưa có đơn vị nào của Sư Đoàn 5 Bộ Binh xâm nhập, Dinh Gia Long và Thành Cộng Hòa chưa bị tấn công. Nên theo tôi, dù Tổng Thống không dời qua Dinh Độc Lập theo đề nghị của tôi, nhưng đừng dời khỏi Dinh Gia Long thì, với lực lượng của Lữ Đoàn được tăng cường Tiểu Đoàn Biệt Động Quân của Đại Úy Thương, việc bảo vệ Tổng Thống sẽ rất dễ dàng trong một thời gian khá lâu, và chắc chắn phe đảo chánh sẽ thất bại.
Một điểm quan trọng khác nữa cho thấy phe đảo chánh chắc chắn bị thất bại là:
Lực lượng bảo vệ các Tướng đảo chánh tại Bộ Tổng Tham Mưu cũng như lực lượng tấn công bị lừa là về bảo vệ Tổng Thống vì Lữ Đoàn làm phản. Sĩ Quan cũng như Binh Sĩ không có gì oán trách Tổng Thống, nên nếu biết đây là cuộc đảo chánh Tổng Thống thì họ sẽ không liều mạng tấn công.
Trong khi đó, binh sĩ của Lữ Đoàn đều là những người rất trung thành với Tổng Thống họ là những Quân Nhân ưu tú và giỏi chiến đấu, được lựa chọn về để bảo vệ Tổng Thống.
Vì thế, điều tôi rất lấy làm tiếc là: Nếu Tổng Thống không sợ anh em binh sĩ phải đổ máu, không sợ đánh vào Bộ Tổng Tham Mưu trong buổi chiều ngày 1. 11 thì, với tương quan lực lượng giữa hai bên đảo chánh và chống đảo chánh chênh lệch rõ rệt như vậy, tôi sẽ thắng đám đảo chánh một cách dễ dàng.
Nói như vậy không phải tôi chủ quan, vì hồi năm 1981,  được cựu Nghị Sĩ Trương Tiến Đạt mời tôi tới nhà ông tại Oakland để thảo luận về việc thành lập một Mặt Trận Giải Phóng Việt Nam. Gặp Tướng Đôn tại đây, tôi hỏi thẳng ông Đôn: Nếu chiều ngày 1.11.1963 tôi đem quân Lữ Đoàn lên tấn công Bộ Tổng Tham Mưu thì sao? Ông Đôn thành thật nhìn nhận: "Thì chắc chắn là chúng tôi thua thôi".
Ngoài ra, Tướng Nguyễn Văn Quan, nguyên là chỉ huy của Tướng Dương Văn Minh và là cố vấn của ông này trong cuộc đảo chánh, được ông Minh giao việc liên lạc móc nối với các sĩ quan cấp nhỏ, nhưng hầu hết là có quân. Ông Quan rất thân thiết với cựu Đại Tá Duệ. Một thời gian sau cuộc đảo chánh 1.11.1963, trong một lần đến thăm Tướng Quan khi nhắc đến cuộc đảo chánh, ông Duệ hỏi ông:
- Thiếu Tướng thấy có đơn vị lớn nào theo đảo chánh không?
- Chả có đơn vị lớn nào cả. Không Quân, Hải Quân chỉ liên lạc mấy anh nhỏ. Ở các Sư Đoàn, ngoài Sư Đoàn 5 thuộc quyền Đính là theo và Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung.  Lúc nghe tin có Tiểu Đoàn Biệt Động Quân đóng ở Bưu Điện để bảo vệ Tổng Thống và Sư Đoàn 5 chưa đưa được đơn vị nào vào gần để tấn công thì nhiều người sợ ra mặt, và moa nghĩ nếu như lúc ấy để họ tự do rút lui thì họ chạy cả.
Riêng về lực lượng Thiết Vận Xa bảo vệ Bộ Tổng Tham Mưu hôm ấy, tôi được cựu Trung Tá Hoàng Khảm, hiện ở Thành Phố Midway City, Orange, California, kể lại như sau:
Khi ấy tôi là Trung Úy Chi Đoàn Trưởng Chi Đoàn 4/4 Thiết Vận Xa của Trung Đoàn 4 Thiết Giáp thuộc Quân Đoàn I. Chi Đoàn có 3 Chi Đội, mỗi Chi Đội có 5 Thiết Vận Xa,  được tăng phái cho Sư Đoàn 7 ở Mỹ Tho. Hết thời hạn tăng phái, Chi Đoàn đang tập trung tại Bộ Chỉ Huy ở Gò Vấp đợi ngày về lại miền Trung. Sáng 1. 11 tôi được Bộ Tổng Tham Mưu gọi về họp. Khi vào trình diện tại phòng họp, Tướng Dương Văn Minh ra lệnh cho tôi dùng điện thoại tại chỗ gọi về ra lệnh cho Chi Đoàn lên trình diện và đặt thuộc quyền sử dụng của Bộ Tổng Tham Mưu để đi hành quân. Khi Chi Đoàn đến trình diện, được sĩ quan trong nhóm đảo chánh điều động bố trí quanh Bộ Tổng Tham Mưu, còn tôi thì bị giữ luôn trong Bộ Tổng Tham Mưu suốt thời gian xảy ra đảo chánh. Tôi cũng như tất cả sĩ quan, binh sĩ trong Chi Đoàn không được hay biết gì cho đến khi tiếng súng đảo chánh nổ.
Tôi cũng được cựu Trung Tá Trần Hữu Tác, ngày 1.11.1963 là Đại Úy Liên Đoàn Phó Liên Đoàn 77/Lực Lượng Đặc Biệt, hiện ở Thành Phố Tustin, Orange County, cho biết:
Mặc dù cả 4 Đại Đội của Liên Đoàn bị Bộ Tổng Tham Mưu xé ra từng Đại Đội đưa đi hành quân tại vùng Biên Hòa, nhưng số Quân Nhân còn lại tại Bộ Tư Lệnh gần 100 người, anh em xin vượt bức tường ngăn, qua tấn công thẳng vào tòa nhà chánh Bộ Tổng Tham Mưu. Lời đề nghị của họ bị Trung Tá Nguyễn Hộ phụ tá Đại Tá Tung cản trở và Thiếu Tá Phạm Văn Phú (Tướng Phú sau này) Liên Đoàn Trưởng cũng tỏ vẻ ngần ngại, nên anh em không dám hành động. Nhưng nếu Lữ Đoàn lên tấn công Bộ Tổng Tham Mưu thì chắc chắn số anh em chúng tôi sẽ tiếp ứng theo kế hoạch đã được chuẩn bị. Vì trong thời gian diễn biến cuộc đảo chánh chúng tôi đã liên lạc với Lữ Đoàn nhiều lần. 

Trên đây là lý do làm cuộc đảo chánh được các Tướng lãnh công bố, sau khi tổ chức thành công cuộc đảo chánh lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Xin được nhắc lại, ngày 11.11.1963 Tướng Tôn Thất Đính gọi tôi vào trình diện ông tại Tổng Bộ An Ninh. Tại văn phòng Tổng Trưởng, ông đã chỉ cho tôi một đống giấy tờ để đầy dưới sàn nhà trước bàn giấy của ông, và nói đó là tài liệu các ông (Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu) liên lạc với Bắc Việt. Vì các ông mưu tính Trung Lập hóa miền Nam, nên anh em Tướng lãnh phải tổ chức đảo chánh các ông.
Một số người không hiểu biết gì hơn ngoài lời buộc tội của các Tướng đảo chánh, cũng đã vội vã kết tội việc liên lạc với Bắc Việt của ông Ngô Đình Nhu là hành động "đâm sau lưng chiến sĩ".
Và cho đến ngày nay, nhiều người vẫn còn thắc mắc, tin nói ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu đã gặp đại diện Bắc Việt có thật hay không?
Những người hiểu biết ít nhiều về tình hình Việt Nam trong những năm 1962-1963 đều thắc mắc, không hiểu tại sao các Tướng đảo chánh lại có thể đưa ra một lời buộc tội Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu một cách thiếu suy nghĩ như vậy. Vì chuyện ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu gặp một số cán bộ cao cấp của Hà Nội, không những ông đã nói với các Tướng lãnh trong một buổi họp hàng tuần tại Bộ Tổng Tham Mưu, (theo Đại Úy Nguyễn Ngọc Hạp, Sĩ Quan Tùy Viên của ông Cố Vấn Nhu) ông còn công khai nói tại các khóa huấn luyện Cán Bộ Xây Dựng Ấp Chiến Lược. Xin trích lược một vào đoạn sau đây.
Trong lễ bế giảng khóa XII/3 Cán Bộ Xây Dựng Ấp Chiến Lược tại suối Lồ Ô ngày 22. 6. 1963, Ban Phụ Trách khóa học đã yêu cầu ông Ngô Đình Nhu: Xin ông Cố Vấn giúp cho anh em khóa sinh có đủ lý lẽ, lập luận, hầu có thể giải thích cho dân chúng về một dư luận nói rằng: "Việt Nam chỉ là con chốt trên bàn cờ quốc tế. Thế giới tự do và Cộng Sản tuy chống đối nhau về ý thức hệ, nhưng họ có thể đi đến hòa giải với nhau khi đã tạo được thế quân bình. Do đó có người cho rằng, cố gắng của Việt Nam, cộng với sự trợ giúp của các bạn Mỹ, chỉ là để tăng thêm áp lực trên khối Cộng Sản. Nhưng khi đã tạo được thế quân bình, họ có thể hòa giải với nhau. Vì thế, ngày chiến thắng và con đường thoát ly của chúng ta còn xa".
Họ đã được ông Ngô Đình Nhu trả lời:
"Câu hỏi được anh em đặt ra cũng chính là câu hỏi mà cán bộ cao cấp Cộng Sản trong mật khu đã đặt ra với tôi dưới một hình thức khác. Họ hỏi tôi: Ngày mai của Việt Nam chúng ta sẽ ra thế nào?"
Chúng ta là một nước bé nhỏ đứng giữa hai khối, chúng ta là thụ động. Nếu bên thế giới tự do tăng cường viện trợ cho ta, thì thế giới Cộng Sản cũng sẽ tăng cường viện trợ cho phía họ,  hai bên cứ tăng cường như vậy sẽ đưa cái mức chiến tranh càng ngày càng lên cao, và số phận chúng ta rồi mai đây sẽ ra sao?
Quốc Sách Ấp Chiến Lược được hình thành và đang được áp dụng biến một số lực lượng của chúng ta qua thế du kích. Chúng ta cũng đang học tập để soát xét lại vấn đề ngoại viện, chính là nhằm để hạ cái mức độ chiến tranh xuống.
Tôi xin nhắc lại: Cả chính sách, cả đường lối của chúng ta là đưa ra một "binh thư binh pháp mới". Binh thư binh pháp đó là mình buộc địch phải đánh trong điều kiện chiến tranh của mình. Tức là không để cho cường độ chiến tranh tăng lên vì ngoại viện, theo mức độ viện trợ từ bên ngoài.
Về vấn đề Trung Lập, trong thông điệp đọc trước Quốc Hội ngày 1. 10. 1962, Tổng Thống Ngô Đình Diệm khẳng định:
"Chúng ta đã cương quyết bác bỏ mọi đề nghị trung lập hóa Việt Nam do Cộng Sản trực tiếp hay gián tiếp chủ mưu".
Với ông Ngô Đình Nhu, cuối năm đó, đúng vào thời kỳ vừa xảy ra các biến cố tại Algeria, Cuba, Pháp và đặc biệt là vụ Ấn Độ bị Trung cộng tấn công, khóa VI Cán Bộ Xây Dựng Ấp Chiến Lược được khai giảng. Đến dự lễ khai giảng ông Ngô Đình Nhu, trong bài hiểu thị, sau khi phân tách những yếu tố (Cảm Tình-Triết Lý-Chính Trị) đã được một số Quốc Gia dựa vào đó mà thực hiện Trung Lập Chế cho đất nước họ. Ông đã đặc biệt nói về chế độ Trung Lập như sau:
"Ngày nay, biến cố ở Ấn giúp chúng ta càng thấy rõ ràng hơn nữa là, đối với Cộng Sản không thể có Trung Lập được tại sao?
Tại vì người Cộng Sản tin tưởng rằng, họ đã đạt được chân lý tuyệt đối về chính trị, mà chỉ có họ thôi, đã đạt được chân lý đó và họ có nhiệm vụ phải phát huy chân lý đó ra bằng mọi cách, nhất là bằng bạo lực. Tôi muốn nói qua về chế độ trung lập nhân dịp Trung cộng xâm lược Ấn Độ để cho anh em nhận định lại về thuyết trung lập và việc thực hành trung lập. Đó là điểm chúng ta cần học tập trong khóa VI này để cùng hiểu rằng tại sao chúng ta không theo thuyết trung lập. Không phải vì chúng ta ngoan cố, mà vì xét theo 3 phương diện đó (Cảm Tình-Triết Lý-Chính Trị) và xét về thực tại của đời sống trong thế giới hiện nay, không có thể gì mà trung lập được, nhất là đối với Cộng Sản, không có thể trung lập, vì chẳng những họ không trung lập mà chỉ chủ trương trung lập để làm suy yếu các quốc gia khác để dễ bề thôn tính".
Và trong lễ bế giảng khóa XII/3 Cán Bộ Xây Dựng Ấp Chiến Lược vừa nói trên, ngày 22. 6. 1963 ông đã nói về việc gặp một số cán bộ cao cấp Việt Cộng và nói thêm về thuyết trung lập như sau:
"Một số cán bộ cao cấp hiện còn đang ở trong hàng ngũ Việt Cộng, đang sống trong mật khu, khi gặp tôi họ đã hỏi: "Ngày mai của Việt Nam chúng ta sẽ ra thế nào?" Chúng tôi đã trả lời họ rằng, chúng ta sẽ không theo khối Cộng Sản, cũng không theo khối tư bản.
Họ nhìn nhận Quốc Sách Ấp Chiến Lược là một chính sách đúng. Họ phục đường lồi của Chính Sách Ấp Chiến Lược là chủ trương xây dựng từ hạ tầng rồi lần lần chuyển biến lên thượng tầng. Nhưng rồi họ lại thắc mắc:
Như vậy thì triển vọng ngày mai của chúng ta, ý nghĩa của chúng ta trong lãnh vực quốc tế sẽ thế nào? Và nếu họ chuyển ra ngoài này với chúng ta rồi thì sẽ cùng nhau đi về đâu?
Vì những người đã gặp tôi đều là những cán bộ cao cấp, người thì đã có nhiều kinh nghiệm chiến đấu tại Điện Biên Phủ, người thì đã từng đi học ở Prague,  ở Moscow,  ở một số các nước Cộng Sản khác. Họ là những người có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về chế độ Cộng Sản, nên tôi hỏi họ: Anh em nghĩ thế nào về trung lập chế? Họ trả lời:
"Trung lập chế chúng tôi đã nghĩ tất (cả), chúng tôi thấy đó chỉ là chiêu bài Cộng Sản đưa ra để nuốt sống các nước nhẹ dạ, các nước nhu nhược".
Còn về câu hỏi họ hỏi "Ngày mai của Việt Nam chúng ta sẽ ra thế nào?" Câu hỏi này cho ta thấy mối ưu tư của họ, và cũng chính là mối ưu tư của chúng ta đối với ngày mai của nước Việt Nam. Tôi đã nói với họ:
Ngày mai của nước Việt Nam là do tất cả thanh niên trong cả nước tự đứng lên làm,  chứ không phải do những lực lượng hiện nay. Các lực lượng chúng ta thấy bây giờ, dù ở bên Cộng Sản hay ở bên chống cộng, đều đã đi về già, là những lực lượng lạc hậu, chỉ có sức mạnh về hình thức thôi, chứ nội dung không có gì. Cho nên ngày mai của nước Việt Nam sẽ do các thế hệ thanh niên và những người có tâm hồn thanh niên tạo dựng".
Chính từ ý niệm này mà ông Ngô Đình Nhu đã thành lập Đoàn Thanh Niên, Thanh Nữ Cộng Hòa.
Hơn nữa, tiến trình đi đến những cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu và một số cán bộ cao cấp của Cộng Sản như vừa được trích lược trên đây là do yêu cầu của Hà Nội, không phải do Sài Gòn đề xuất.
Tôi được Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận kể lại, hồi đầu thập niên 90, trong một dịp đến Bỉ ngài đã đến thăm một vị công cán ủy viên của Nhà Vua (xin được tạm dấu tên vị này) một người trước kia rất thân thiết với Tổng Thống Ngô Đình Diệm khi ông lưu trú tại nước này, trong thời kỳ bôn ba hải ngoại. Sau khi mời khách ngồi, vị công cán ủy viên hỏi:
- Ngài có biết trước đây ai đã ngồi trên ghế ấy không?
- Thưa, chắc là Tổng Thống Diệm.
- Không phải. Đó là ghế mà cán bộ Cộng Sản Hà Nội đã ngồi để bàn tính chuyện liên lạc với Nam Việt Nam đấy.
Rõ ràng hơn nữa, vào hạ tuần tháng 9. 1963, ký giả Joseph Alsop viết một bài đăng trên hai tờ báo New York Herald Tribune tại Mỹ và Le Figaro tại Pháp, tường thuật lại hai cuộc diện kiến giữa ông với Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Cố Vấn Ngô Đình Nhu.
Về cuộc diện kiến Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ký giả Alsop ghi lại:
". . . Tổng Thống Diệm tiết lộ cho tôi biết, ông Jacques de Buzon, Tổng Lãnh Sự Pháp tại Hà Nội đã xin phép Tổng Thống được vào Sài Gòn để thay đổi không khí đôi chút. Tôi tự hỏi,  ông Diệm nói với tôi, liệu ông ta có thể đến Sài Gòn được không, một chuyến đi mà những người Cộng Sản luôn chống đối. Nhưng một điều rất lạ là, lần này họ đã để cho ông ta đi. Khi Đại Sứ Lalouette dẫn ông ta đến gặp tôi, tôi thấy ông này đã không nói với tôi chuyện gì quan trọng, ngoại trừ chuyện ông Hồ chí Minh hiện nay nói về tôi bằng một giọng điệu khác hẳn trước kia. Ông ta không còn gọi tôi là tên phản động, là con rối trong tay người Mỹ, ông de Buzon quả quyết, ngày nay ông ta gọi tôi là ‘ông Diệm tử tế, ông Diệm là người Việt Nam tốt,  chung quy là một người yêu nước’. Phải nói rằng tôi hết sức ngạc nhiên khi được biết điều này".
Tiếp theo là cuộc diện kiến ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu được ký giả Alsop kể lại:
"Sau lời tuyên bố của Tướng de Gaulle (đề nghị Trung lập hóa Đông Dương), Đại Sứ Pháp đã đến thăm xã giao Tổng Thống Diệm, sau đó ông đã gặp ông Cố Vấn Nhu lâu hơn, yêu cầu ông đừng bỏ qua thời cơ do tuyên bố của Tướng de Gaulle đưa lại. . . Sau đó, do yêu cầu của Đại Sứ Lalouette, Trưởng đoàn Ba Lan trong Ủy Ban Kiểm Soát Đình Chiến, Tiến Sĩ Maneli,  đã đến gặp ông Cố Vấn của Tổng Thống Diệm. Ông này không chỉ đưa ra những vấn đề và những lý lẽ như Đại Sứ Lalouette, mà còn chuyển đạt một thông điệp do đích thân thủ tướng Bắc Việt Nam, ông Phạm văn Đồng gửi".
Ông Nhu cho biết: Thông điệp yêu cầu tôi mở thương nghị trên căn bản đề nghị ngưng bắn của ông Hồ chí Minh (sự viện trợ từ bên ngoài phải được chấm dứt). Đó là một đề nghị hấp dẫn, nhưng tôi đành phải trả lời ông bạn Ba Lan rằng, tôi không thể mở thương nghị sau lưng người Mỹ được. Điều đó không thể đặt thành vấn đề.
Dẫu sao, ông Nhu tiếp, chúng tôi cũng đã có được một cuộc đối thoại hữu ích. Với tư cách người Cộng Sản, ông ta nhìn nhận tôi là một lý thuyết gia thực sự về du kích chiến trong thế giới không Cộng Sản. Và cho tôi biết, ông ta chờ đợi ở tôi một câu trả lời khác với câu tôi đã nói với ông ta. Ngay khi có được câu trả lời đó, ông ta sẽ gặp lại tôi và lấy máy bay đi Hà Nội ngay.
Sau đó ký giả Alsop viết:
Việc tiết lộ những sự giao dịch này đưa đến kết quả là cả hai phía cùng sẽ cực lực cải chính. Nhưng tôi đã kể lại một cách rất chính xác những điều đã được hai người trong cuộc: Tổng Thống Diệm và em ông, tự thuật. (Les Relations Americano-Vietnamiennes. Tome I.  Trang 130)
Sự kiện cán bộ Cộng Sản gặp vị công cán ủy viên Bỉ, chính là đầu mối đưa đến những sự kiện vừa được lược thuật trên đây? Những sự kiện mà một số trong đó, ông Ngô Đình Nhu đã công khai nói với Cán Bộ Xây Dựng Ấp Chiến Lược và đã cho các Tướng lãnh biết. Vậy tại sao họ lại cố tình như không biết để đưa ra lời kết tội Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu mưu tính trung lập hóa miền Nam? Để làm gì?
Thắc mắc trên đây được tác giả cuốn The Year Of The Hare, in tạp dịch: Năm Con Thỏ Rừng, (Năm con mèo 1963) ông Francis X.  Winters, Giáo Sư môn Đạo Đức và Các vấn đề quốc tế tại Trường Đại Học Georgetow, Washington D. C, thành viên Viện Quốc Tế Về Chiến Lược Học, (Internatinal Institute for Strategic Studies) trụ sở tại Luân Đôn Anh Quốc, giải đáp:
Ngay khi được tin ông Diệm đã chịu đầu hàng các Tướng đảo chánh, Ngoại Trưởng Dean Rusk gửi ngay một điện văn dài nồng nhiệt chúc mừng ông Lodge và hối thúc ông này công bố việc ông Diệm đã tham gia bàn chuyện trung lập với ông Hồ chí Minh.  (The Year Of The Hare. Trang 106)
Dĩ nhiên, ông Lodge làm sao nói được với dân Việt Nam, nên ông đã chuyển lệnh "cấp trên" cho nhóm Tướng đảo chánh. Nhận được "lệnh trên" các ông Tướng này lập tức thi hành, vội vàng tuyên bố lý do làm đảo chánh là vì:
"Các ông Tổng Thống Diệm và ông Nhu liên lạc với Bắc Việt mưu toan trung lập hóa miền Nam".
Mặc dù họ đã biết rõ lập trường đối với vấn đề trung lập của anh em ông Diệm từng được Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu khẳng định như vừa được trích thuật ở trên.
Điều mỉa mai là, sau khi nhóm đảo chánh nắm quyền, họ tưởng rằng, họ đã thiết lập được một chế độ vững chắc và có tính cách đại diện cho một miền Nam hơn, họ có thể trở thành một đối lực với mặt trận giải phóng và chính phủ Hà Nội. Và khi ấy họ sẽ nhờ vào sự hợp tác tích cực của nước Pháp để thực hiện việc trung lập hóa Việt Nam. Khi kế hoạch này tiết lộ đến tai người Mỹ và Hà Nội thì phản ứng của hai phía đều là: Không thỏa hiệp, không trung lập, chiến đấu đến cùng. Tại Hà Nội, thành phần chủ chiến, vì đã nắm được con bài tẩy, họ đều ngã về giải pháp tiếp tục cuộc chiến không do dự, không hạn chế, không thỏa hiệp. . . Họ nói rõ:
"Tính cách đại diện của chế độ miền Nam hiện nay còn thua thời ông Diệm, vì không có người nào trong chính phủ có được một chút kính trọng nào của dân chúng" (The War of the Vanquished. Trang 163)
Việc ông Rusk hối thúc ông Lodge công khai tiết lộ việc liên lạc với Bắc Việt của Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu kèm theo chiến dịch "bôi bẩn" hai ông bắt nguồn từ những sai lầm vô cùng nghiêm trọng ông Rusk và nhóm của ông đã phạm phải.
Là những người làm ra chính sách Việt Nam của chính phủ Kennedy mà họ không có chút hiểu biết nào về Dân Tộc và Đất Nước Việt Nam. Họ không tìm hiểu lịch sử, văn hóa,  chính trị, tánh tình và thói quen của người dân và các nhà lãnh đạo bản xứ. Quá ỷ vào sức mạnh cơ giới và kỹ thuật tân kỳ, không đếm xỉa gì đến sức mạnh của tinh thần dân tộc, động cơ thúc đẩy người dân Việt Nam sẵn sàng hy sinh chống lại mọi hình thức ngoại xâm. Và vì chỉ biết nhìn mọi người theo lối nhìn của mình, nên ông Rusk và nhóm của ông đã nhìn Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu như là những trở ngại cần phải loại trừ,  để chiến thắng Cộng Sản tại Việt Nam theo sự điều khiển của các ông.
Sau khi đã loại trừ được hai ông Diệm và Nhu, cần phải có lý do để chính đáng hóa hành động sát nhân, xóa mờ tinh thần "tự lực tự cường" mà hai ông đang cổ võ và xây dựng.  Đồng thời khích động tinh thần quyết chiến của quân dân miền Nam, và nói lên quyết tâm của Hoa Kỳ hỗ trợ họ đánh Cộng Sản cho đến toàn thắng. Kế hoạch này tạo ra cho quân dân miền Nam tâm lý trông chờ và tất nhiên, sẽ rất vui mừng đón nhận sự tiếp sức của những người bạn đồng minh đến để giúp mình giải phóng đất nước khỏi ách Cộng Sản bạo tàn.
Điều đáng tiếc là, có lẽ khi ấy quân dân cả hai miền Nam Bắc Việt Nam không ai nghĩ ra rằng, khi người ta, khối tư bản cũng như khối Cộng Sản, đưa nhân lực, tiền của, súng đạn,  phương tiện đến tiếp sức cho mình để "giải phóng đất nước", thì cũng chính là lúc mình bị người ta đẩy vào một cuộc "Chiến Tranh Của Những Kẻ Chiến Bại"(War of the Vanquished) vì quyền lợi và sự tranh giành ưu thế chiến lược của họ.
(War of the Vanquished. Tựa đề cuốn sách nói về bản chất cuộc chiến tranh Việt Nam ông Mieczyslaw Maneli, Trưởng Đoàn Ba Lan trong Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến tại Việt Nam theo Hiệp định Geneva). 

Sau khi trình cho ông Cẩn biết hung tin về Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu, tôi lên văn phòng cho anh em trong văn phòng giải tán. Tôi trở về nhà được chừng nửa giờ,  khoảng 10-11 giờ ngày 2 tháng 11, thì hai ông Lãnh Sự và Phó Lãnh Sự Mỹ đến gặp, Ông Lãnh Sự Helble cho tôi biết:

"Chúng tôi vừa nhận được lệnh Tòa Đại Sứ mời ông Cố Vấn tạm lánh qua bên Tòa Lãnh Sự chúng tôi. Chúng tôi sẽ bảo vệ ông Cố Vấn cũng như đã bảo vệ ông Thích Trí Quang".
Và ông Phó Lãnh Sự Mullen nói với tôi:
"Riêng phần ông và gia đình ông, xin mời qua tạm trú bên nhà tôi. Chúng tôi đã có sẵn chỗ cho mọi người trong gia đình ông".
Tôi nghĩ thầm, bây giờ đưa vợ con qua nhà ông Mullen chẳng biết họ có thể bảo vệ cho mình đến mức nào, mà lại có thể làm cho tình trạng thêm phức tạp. Tôi trả lời hai ông:
- Tôi thực sự cảm động trước hảo ý của Tòa Đại Sứ và của hai ông. Về việc Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ mới ông Cố Vấn tạm lánh qua Tòa Đại Sứ ở đây, tôi sẽ lên trình ông Cố Vấn ngay.  Riêng phần tôi, tôi xin thay mặt cả gia đình hết lòng cám ơn lòng quảng đại của ông Mullen,  đã sẵn sàng và muốn cho gia đình tôi qua tạm trú bên nhà ông trong những ngày này. Nhưng tôi xét, riêng phần tôi không có gì đáng lo ngại. Vì tôi là một Quân Nhân, được biệt phái đến làm việc với ông Cố Vấn, Bây giờ chuyển qua một chế độ khác, tôi lại trở về phục vụ một đơn vị Quân Đội thôi. Tôi nghĩ không có gì nguy hiểm cho chúng tôi lắm.
- Điều đó tùy ông. Nhưng tôi muốn nhắc lại rằng, khi nào ông cảm thấy nguy hiểm cho ông, bất cứ ngày hay đêm,  ông hãy đem cả gia đình qua bên nhà tôi. Chúng tôi luôn sẵn sàng có đủ chỗ ăn ở cho gia đình ông.
- Ông Mullen à! Tôi hết xúc động trước lòng tốt của ông đối với chúng tôi. Tôi sẽ sẵn sàng làm phiền ông khi cảm thấy cần thiết. Cám ơn ông rất nhiều.
Về vấn đề tỵ nạn của ông Ngô Đình Cẩn, bà Marguerite Higgins kể rằng: Đêm thứ bảy,  2. 11 theo lời yêu cầu của bà Ngô Đình Nhu, bà Higgins điện thoại hỏi ông Roger Hilsman, Phụ Tá Ngoại Trưởng Rusk, về trường hợp ông Ngô Đình Cẩn, ông Hilsman trả lời:
" Ông ta có thể được tỵ nạn, nếu ông ta muốn". (VNON. Trang 225)
Sau khi hai ông Lãnh Sự và Phó Lãnh Sự rời nhà tôi, tôi lên trình ông Cẩn lời mời của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ, ông bảo tôi:
"Chú qua nói với họ, tôi còn bà mẹ già, tôi không thể xa mẹ tôi được. Nếu họ nhận cả bà thì tôi qua, bằng không thì thôi".
Từ nhà ông Cẩn ra, tôi đến thẳng Tòa Lãnh Sự Mỹ, chuyển lời yêu cầu của ông Cẩn đến hai ông Lãnh Sự và Phó Lãnh Sự.  Ông Lãnh Sự trả lời:
- Chúng tôi chỉ nhận được lệnh mời ông Cố Vấn. Bây giờ ông Cố Vấn muốn chúng tôi nhận cả bà mẹ thì phải chờ chúng tôi xin lệnh Tòa Đại Sứ.
- Vâng, xin ông cứ làm tất cả những gì ông cần phải làm, và xin cho tôi biết kết quả càng sớm càng tốt.
Tôi trở lại trình cho ông Cẩn biết ý kiến của ông Lãnh Sự. Trở ra, tôi lái se đi quanh mấy đường chính trong Thành Phố, tình hình vẫn yên tĩnh không có gì náo động. Suốt buổi chiều hôm ấy tôi không dám rời nhà, có ý đợi Tòa Lãnh Sự Mỹ cho biết kết quả về lời yêu cầu của ông Cẩn. Bắt đầu khoảng hơn 3 giờ chiều, một chiến xa lâu lâu lại chạy ngang qua nhà tôi.  Thấy có vẻ bất thường, tôi lái xe lên nhà ông Cẩn xem có gì xảy ra không. Gần đến nơi thấy một chiến xa đứng ngay góc ngã tư Nguyễn Trường Tộ (đường đi ngang qua nhà ông Cẩn) và Phan Chu Trinh (đường chạy dọc theo sông Bến Ngự). Chiếc thứ hai đứng trên mé Đường Phan Chu Trinh, chận lối cổng sau. Chiếc thứ ba đứng ngay ngả ba đầu Đường Nguyễn Trường Tộ, trước sân Nhà Thờ Phú Cam. Đến trước cổng chính, thấy có hai lính thiết giáp đứng gác.  Tôi xuống xe xưng tên, cấp bậc và cho họ biết tôi làm việc trong văn phòng của ông Cẩn, tôi muốn vào xem ông có cần gì tôi không. Một trong hai anh lính đã nhã nhặn thưa lại: "Xin Đại Úy cảm phiền, chúng em được lệnh giữ không cho bất cứ ai từ ngoài vô, hoặc từ trong ra".
Sau này tôi mới biết chiếc chiến xa lâu lâu chạy ngang qua nhà tôi là do lệnh của Đại Úy Nguyễn Thế Thanh, một bạn học cùng khóa với tôi. Anh Thanh có cấp bậc sau cùng là Trung Tá, hiện ở Thành Phố Wesminster, Orange County. Anh Thanh là Trung Đoàn Phó Trung Đoàn 4 Thiết Giáp, khi Chi Đội ¾ chiến xa của anh vừa được đưa qua để thành lập Chiến Đoàn 100 do Thiếu Tá Nguyễn Tuấn chỉ huy, được lệnh đến giữ an ninh khu nhà ông Cẩn, anh đã yêu cầu Chi Đội Trưởng lâu lâu cho một xe đảo qua nhà tôi, đề phòng có chuyện bất trắc xảy đến với gia đình tôi trong tình hình bất ổn lúc ấy.
Tuy là bạn cùng khóa, thân thiết và thường gặp nhau mỗi lần anh Thanh từ Quảng Trị về Huế thăm ông bà ngoại các con anh. Nhưng suốt những năm tôi làm việc cạnh ông Ngô Đình Cẩn, anh không hề nhờ vả bất cứ một điều lớn nhỏ gì. Vậy mà khi xảy ra những đổi thay đầy nguy hiểm, anh đã không e dè, ngang nhiên biểu lộ một tình cảm thật đặc biệt đối với tôi.  Đến khi tôi được đưa vào Sài Gòn bỏ lại vợ con ở Đà Nẵng, anh đã lui tới giúp đỡ bất cứ chuyện gì vợ con tôi cần đến anh, cho đến khi vợ con tôi được an toàn vào Sài Gòn. Tôi vô cùng cảm phục tính cương trực và dũng khí nơi con người anh Thanh. Xin anh Thanh nhận ở đây lòng cảm mến và biết ơn vô hạn của tôi và gia đình tôi.
Bị ngăn cản không vào gặp ông Cẩn được, tôi trở về nhà ngồi đợi tin tức của Tòa Lãnh Sự Mỹ, chẳng thấy động tĩnh gì. Khoảng 7 giờ tối, Trung Tá Trần Văn Mô, cùng đi có Đại Tá Nguyễn Văn Hiếu (Tướng Hiếu sau này) Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn I và Thiếu Tá Đào Quang Hiển Giám Đốc Nha Công An Cảnh Sát đến gặp tôi. Trung Tá Mô cho biết ông mới được bổ nhậm làm Tỉnh Trưởng Thừa Thiên kiêm Tỉnh Trưởng Huế. Đại Tá Hiếu và Thiếu Tá Hiển được cử giữ chức vụ cũ. Các ông muốn được đến ra mắt ông Cố Vấn. Tôi nghĩ thầm trong bụng, tình hình này mà các ông còn xin ra mắt ông Cố Vấn thì lạ thật.
Tôi đưa ba ông lên nhà ông Cẩn, đến cổng Trung Tá Mô cho hai anh lính thiết giáp biết ông là Tân Tỉnh Trưởng cùng với Đại Tá Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn và Thiếu Tá Giám Đốc Công An Cảnh Sát, cần vào gặp ông Cố Vấn, hai anh lính mở cổng cho chúng tôi vào. Vào bên trong tôi mời ba ông đứng chờ trước sân để tôi mời ông Cẩn. Vào nhà trong, biết ông Cẩn đã tạm lánh đi nơi khác không còn ở nhà. Tôi nói với Đại Úy Tôn Thất Độ ra cho họ biết là ông Cẩn vì bị xúc động mạnh nên quá mệt không thể tiếp các ông được, xin hẹn lại ngày hôm sau.
Trung Tá Mô nói với tôi: Nhờ anh trình lại ông Cố Vấn, chúng tôi nhận nhiệm vụ mới,  nên xin ra mắt ông Cố Vấn mà rất tiếc không được gặp. Ngày mai chúng tôi sẽ sắp xếp thì giờ xin lên chào ông Cố Vấn.
Đêm hôm ấy (2.11) tình hình trong Thành Phố Huế vẫn hoàn toàn yên tĩnh không có gì xáo trộn.
Sáng hôm sau, Chủ Nhật 3 tháng 11, tôi đang xem lễ trong Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế, một anh Quân Cảnh đến kiếm, tới nói nhỏ:
- Thiếu Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn muốn gặp Đại Úy.
Vì Thánh lễ đã gần xong, tôi nói với anh Quân Cảnh:
- Nhờ anh về trình lại với Thiếu Tướng chừng mười phút nữa, Thánh lễ kết thúc tôi sẽ lại trình diện Thiếu Tướng ngay.
Thánh lễ chấm dứt, từ Nhà Thờ tôi đến thẳng tư dinh Tướng Trí cách đó chừng 300 thuớc. Bước vào phòng khách tôi thấy Tướng Trí, và ngoài Trung Tá Mô, Đại Tá Hiếu, Thiếu Tá Hiển còn có Thiếu Tá Nguyễn Tuấn Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 100 Thiết Giáp đã ngồi sẵn đó.
Tướng Trí mời tôi ngồi ghế bên cạnh,  ông nói:
- Nhờ anh trình xin ông Cố Vấn cho tôi gặp trong sáng nay, càng sớm càng tốt, vì tình hình này thế nào cũng có biện pháp khám xét nhà cửa của ông Cố Vấn. Anh trình ông nếu có tiền bạc, quý kim gì còn cất giữ ở trong nhà đưa tôi giữ cho.
- Vâng, tôi đến trình ông Cố Vấn bây giờ và sẽ trở lại với Thiếu Tướng ngay.
Tôi trở lại Nhà Dòng Chúa Cứu Thế, vào trình ông Cẩn ý kiến và đề nghị của Tướng Trí, ông đồng ý và bảo tôi:
- Chú xuống trình xin Cha Bề Trên cho tôi tiếp ông Trí tại đây.
Tôi làm theo lời ông Cẩn rồi trở lại nhà Tướng Trí mời ông đi theo tôi.
Khi đứng dậy đi theo tôi, Tướng Trí nói với các vị Sĩ Quan hiện diện:
- Bây giờ moa đi với anh Minh, Tuấn đi theo moa còn các toa ngồi đây đợi moa.
Ra sân, Tướng Trí ra lệnh cho hai xe Quân Cảnh đi theo hộ tống. Thấy vậy, tôi đề nghị với Tướng Trí khi tới trước Nhà Dòng cho hai xe Quân Cảnh đứng ở ngoài đường, còn xe của ông và xe Thiếu Tá Tuấn tiếp tục đi vào trước thềm Nhà Dòng, Tướng Trí đã làm theo đề nghị của tôi.
Vào bên trong Nhà Dòng tôi mời Thiếu Tá Tuấn vào phòng khách bên cạnh cầu thang ngồi đợi. Tôi đưa Tướng Trí lên phòng ông Cẩn ở trên lầu, sau đó trở xuống ngồi nói chuyện với Thiếu Tá Tuấn.
- Khoảng 15 phút sau, ông Cẩn nhờ một Thầy Dòng ra gọi tôi. Lên phòng ông, tôi mở cửa bước vào, ông bảo tôi:
- Chú về nhà nói với Độ dẫn vào phòng tôi, lấy cái bao bố và cái va li dưới gầm giường đem lại đây cho tôi.
Khi tôi trở ra, Tướng Trí đi theo, xuống khỏi cầu thang ông gọi Thiếu Tá Tuấn từ trong phòng khách bảo đưa tôi về nhà ông Cẩn. Đến nhà ông Cẩn tôi nói Thiếu Tá Tuấn lái xe vào lối cổng sau và ngồi trên xe đợi tôi. Vào trong nhà, tôi cho Đại Úy Độ biết lệnh của ông Cẩn.  Hai chúng tôi cùng vào phòng ông, lấy từ dưới gầm giường ra một cái bao bố lép xẹp, cột túm ở một góc dưới đáy, và một va li bằng vải nhựa đốm trắng xanh nhỏ li ti, cỡ chừng 0m50x0m80. Tôi xách hai tay hai cái đem bỏ lên xe. Thiếu Tá Tuấn lái xe về lại Nhà Dòng Chúa Cứu Thế, tôi đem lên cho ông Cẩn và trở lui xuống ngồi nói chuyện với ông Tuấn.  Chừng 10 phút sau Tướng Trí từ trên lầu đi xuống, một tay xách cái bao bố, tay kia cái va li trao cho Thiếu Tá Tuấn ra khỏi cửa, Tướng Trí nói với tôi:
- Anh Minh à! Kể từ bây giờ coi như anh trở về lại Quân Đội. Anh cứ ở đây đợi lịnh của tôi.
- Thưa Thiếu Tướng, tôi đã có lệnh Tổng Thống cho về Trường Võ Bị Đà Lạt trước khi xảy ra đảo chánh. Bây giờ xin Thiếu Tướng cho tôi đáo nhận đơn vị được không?
- Hiện nay các Phi Trường còn đóng cửa chưa đi được đâu.
Sau khi gặp ông Cẩn, Tướng Trí đáp phi cơ trở lại ngay Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn tại Đà Nẵng. Buổi tối, Đại Úy Thiết Chánh Văn Phòng của Tướng Đôn, được ông Đôn để lại ở Huế,  đưa đến cho tôi Công Điện Tướng Trí gọi tôi vào trình diện ông trong vòng 24 giờ. Công Điện ghi rõ "nếu không trình diện đúng thời hạn sẽ bị coi như đào ngũ".
Sáng hôm sau, 4 tháng 11, sau khi dự Thánh lễ tại Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế, tôi vào gặp ông Cẩn có ý trình cho ông biết tôi có lệnh Tướng Trí gọi vào Đà Nẵng. Tôi mở cửa phòng bước vào, ông Cẩn trong tư thế nửa nằm nửa ngồi, khuỷu tay tỳ lên gối, miệng vẫn nhai trầu cách thảm nhiên. Thấy tôi vào ông nói: "Hết rồi chú ạ!" Rồi ông ngước mắt nhìn qua khung cửa sổ, như muốn phóng tầm nhìn qua khoảng không gian không mấy xa, về hướng một căn nhà tranh thấp, thường xuyên thiếu ánh sáng. Có lẽ lúc ấy ông đang nhớ đến và muốn được nhìn thấy mặt bà mẹ già đã trên 90 tuổi, bệnh hoạn gần 20 năm qua, mọi việc riêng của bà đều phải nhờ người giúp đỡ, giờ đây nằm cô quạnh một mình. Một bà mẹ ông hết lòng phụng dưỡng, và từ tấm bé, ông chưa hề một ngày xa cách. Từ khóe mắt ông hai dòng nước mắt từ từ chảy dài trên má. Trước cảnh tượng ấy tôi đứng sững sờ, đến khi cảm thấy mằn mặn đôi môi,  tôi cũng biết rằng mình cũng đang khóc.
Trần tĩnh lại, tôi trình ông lệnh Tướng Trí gọi tôi phải trình diện trong 24 giờ. Ông thở dài:
- Chú cứ đi.
Cho đến lúc ấy tình hình tại hai Sư Đoàn 1 và 2 vẫn còn yên tĩnh. Lực lượng Võ Trang Nhân Dân, ngoài Tỉnh Thừa Thiên, hai Tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng vẫn giữ được liên lạc. Chiều tối hôm trước, mồng 1, Đại Úy Nguyễn Thế Thanh Trung Đoàn Phó Trung Đoàn 4 Thiết Giáp điện thoại cho tôi biết anh cùng với Đại Úy Dung, Chi Đoàn Trưởng Chi Đoàn Chiến Xa sẵn sàng đặt Chi Đoàn dưới sự điều động của tôi. Anh đồng ý với tôi sẽ chuẩn bị mọi thứ cần thiết và sẵn sàng để có thể vào Huế bất cứ giờ nào. Sau khi "cách mạng" thành công, anh Thanh đã phải khốn khổ vì cú điện thoại này. Vì tên trực Tổng đài điện thoại muốn kiếm công với "cách mạng" đã báo cáo cuộc điện đàm của anh và tôi nêu trên. Khi Tướng Nguyễn Chánh Thi làm Tư Lệnh Quân Đoàn I, ông phạt anh 30 ngày trọng cấm, tuyên chuyển ra khỏi Vùng I Chiến Thuật trong vòng 24 tiếng đồng hồ với lý do: "Có hành động chống đảo chánh". Và hậu quả của cú điện thoại đã theo đuổi anh trong suốt cả quãng đời binh nghiệp còn lại của anh. Vì nó mà sau này mấy lần anh được đề nghị thăng cấp Đại Tá tại mặt trận,  nhưng đều bị Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp phản đối với lý do: Có hành động phản "cách mạng".
Tôi trình cho ông Cẩn rõ tình hình và các phương tiện khả dụng và ngỏ ý muốn có một hành động hơi liều lĩnh. Tôi lý luận, nếu giữ được Quân Đoàn I thì các Tướng đảo chánh phải điều đình.  Ông suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Tình hình khó giải quyết nhanh chóng được. Nếu kéo dài tình trạng hỗn loạn, Việt Cộng sẽ lợi dụng và dân sẽ khổ thêm. Chú đợi tôi suy nghĩ đã.
- Tối nay là hạn chót con phải trình diện ông Trí. Nếu Cậu quyết định cho hành động,  Cậu nhờ một người đến cho con biết trước 5 giờ chiều nay. Nếu không nhận được quyết định gì của Cậu, thì 5 giờ con phải đi.
- Được, chú về cứ chuẩn bị cả hai mặt.
Vì cho đến giờ ấy, Tòa Đại Sứ Mỹ vẫn chưa cho biết kết quả về lời ông Cẩn yêu cầu được đưa cả thân mẫu qua Tòa Lãnh Sự. Tôi hỏi ông:
- Nếu con phải đi Đà Nẵng thì việc liên lạc với Tòa Lãnh Sự Mỹ về vấn đề Cậu qua tỵ nạn bên đó, giao cho ai?
- Chú ra nói Âu Ngọc Hồ lo giùm tôi. (Ông Âu Ngọc Hồ khi ấy là Tổng Thư Ký Viện Đại Học Huế, hiện định cư tại Los Angeles)
Trở về nhà, vì đường dây điện thoại của tôi đã bị cắt, tôi đang mung lung suy nghĩ cách nào nhanh nhất để liên lạc với Đại Úy Thanh nếu ông Cẩn cho hành động, và phải hành động thế nào, từ đâu, cho nhanh và gọn, thì ông Mullen Phó Lãnh Sự Mỹ tới. Lúc ấy khoảng hơn 10 giờ.  Ông hỏi tôi:
- Ông có lệnh Tướng Trí gọi vào Đà Nẵng trình diện phải không?
- Phải. Sao ông biết.
- Tôi biết chứ! Ông sẽ đi bằng phương tiện gì?
- Tôi đi bằng xe.
- Không được. Tình hình này ông không nên đi xe. Để tôi kiếm một máy bay đưa ông đi.
- Nhưng tôi còn phải lo một vài việc cho gia đình, khoảng 5 giờ chiều tôi mới đi được.
- Tôi sẽ liệu 5 giờ có máy bay cho ông.
- Tôi không biết làm sao diễn tả được sự xúc động của tôi. Cám ơn ông rất nhiều. Rất nhiều.
Chừng 3 giờ chiều, Đại Úy Thiết đến nói với tôi.
- Tớ vừa nhận được lệnh của Quân Đoàn bảo báo cho cậu, 5 giờ chiều nay sẽ có máy bay đón cậu tại sân bay Thành Nội. Tớ sẽ đưa cậu đi. Tớ sẽ qua rủ Hùng (Đại Úy Ngô Văn Hùng) cùng đi cho vui.
Tôi hơi ngạc nhiên nghĩ trong bụng, tại sao ông Mullen nói lo máy bay cho mình mà bây giờ lại là lệnh của Quân Đoàn?
- Cám ơn Thầy. Chừng 4 giờ 30 Thầy cho con đi. (Tôi vẫn xưng hô với Đại Úy Thiết là Thầy, vì ông có dạy tôi ở lớp Đệ Thất)
Những giờ phút còn lại tôi nôn nóng chờ lệnh của ông Cẩn.
Hơn 4 giờ hai Đại Úy Thiết và Hùng đến, tôi nấn ná đến hơn 4 giờ 30 vẫn không thấy động tĩnh gì. Tôi dặn dò vợ con lần chót rồi ra xe đi với hai ông. Trên đường đi tôi ghé nhà ông Âu Ngọc Hồ, không gặp ông, tôi nhắn lại Bà Hồ lời ông Cẩn nhờ ông giúp liên lạc với Tòa Lãnh Sự Mỹ. Chúng tôi đến sân bay Thành Nội vừa lúc một máy bay Cesna hạ cánh.
Gần 6 giờ đến sân bay Đà Nẵng, tôi được Thiếu Tá Trương Trừng, Trưởng Phòng Nhì Quân Đoàn đón đưa về văn phòng Tướng Trí. Sau khi chỉ ghế mời ngồi, Tướng Trí nói với tôi:
- Tôi cho đưa anh vô đây, vì tình hình này để anh ở ngoài đó nguy hiểm cho anh.
- Xin cám ơn Trung Tướng. (hôm ấy ông Trí đã mang lon Trung Tướng)
Ông hỏi tôi:
- Anh cho tôi biết trong nhà ông Cậu có hầm vũ khí bí mật nào không?
- Thưa Trung Tướng, ngoài số súng do các Đơn Vị Trưởng đem biếu ông làm quà, mỗi khi hành quân thu được chiến lợi phẩm, để trong kho thẳng ngay cổng vào. Tôi bảo đảm với Trung Tướng không có hầm chôn giấu súng ống nào cả.
- Mai mốt chắc thế nào Hội Đồng Tướng Lãnh họ cũng hỏi đến anh. Trong khi chờ đợi lệnh của họ, tôi sẽ sắp xếp cho anh làm việc tại Bộ Tham Mưu Quân Đoàn. Anh cứ an tâm làm việc bình thường. Nhưng trước hết tôi nhờ anh đi các Tỉnh kêu gọi anh em Võ Trang Nhân Dân đừng chống chính quyền mới, giao nạp vũ khí cho Quân Đội, tránh mọi hành động gây xáo trộn tình hình.
- Thưa Trung Tướng, tôi sẵn sàng thi hành lệnh của Trung Tướng. Nhưng để được an tâm làm việc, xin Trung Tướng cho tôi nghỉ ngày mai, trở ra Huế đưa vợ con tôi vô đây đã. Vì chắc Trung Tướng cũng biết, tôi không có bà con thân thuộc gì ở ngoài đó hết.
- Anh không nên ra ngoài đó. Để tôi lo cho.
Nói rồi ông bấm interphone mời Đại Tá Trần Thanh Phong Tham Mưu Trưởng qua,  (Đại Tá Phong sau lên Tướng, bị tử nạn máy bay tại Phú Yên) ông nói với Đại Tá Phong:
- Anh Minh đã vô trình diện. Anh ấy muốn trở ra Huế đưa gia đình vô, moa thấy không nên, có thể nguy hiểm cho anh ấy. Toa coi anh cần những gì để đưa gia đình vô thì giúp cho anh ấy. Còn việc làm thì như moa đã nói, sắp xếp cho anh ấy làm việc tại Bộ Tham Mưu Quân Đoàn.
Tôi đứng dậy chào, cám ơn Tướng Trí và đi theo Đại Tá Phong qua phòng ông. Sau khi nghe tôi trình bầy nhu cầu,  ông gọi điện thoại cho Đại Tá Hiếu Tham Mưu Sư Đoàn I, yêu cầu sáng hôm sau cho một Tiểu Đội đến giúp chuyển đồ đoàn và cho xe chở theo xe gia đình tôi vào Đà Nẵng.
Tối hôm ấy Thiếu Tá Trừng mời tôi về nghỉ ở nhà anh.
Khoảng 8 giờ, Đại Tá Phong gọi điện thoại đến cho biết, sáng hôm sau có chuyến bay đưa mấy ông Tỉnh Trưởng vào họp tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn, ông sẽ cho đón vợ con tôi đi theo máy bay này luôn. Nhưng đến khoảng 11 giờ Đại Tá Phong lại gọi tôi đến cho hay, buổi họp của các Tỉnh Trưởng tại Quân Đoàn vào sáng hôm sau đã được hủy bỏ. Không có máy bay nào khác từ Huế vào Đà Nẵng, nên không đưa gia đình tôi vào bằng máy bay được.
Ngày hôm sau, thứ tư 6. 11, vợ con tôi từ Huế vào bằng đường bộ. Chúng tôi được tạm cấp cho một căn nhà trong Cư Xá Thanh Bình. Bắt đầu ngày 7. 11, Đại Tá Phong đưa tôi đến làm việc tại Phòng Hành Quân với Thiếu Tá Phạm Cao Đông. Bốn ngày sau, trưa thứ hai 11. 11 tôi chưa kịp đi "chiêu an" Lực Lượng Võ Trang Nhân Dân mấy Tỉnh theo yêu cầu của Tướng Trí, khi trở lại Phòng Hành Quân sau bữa cơm tại Câu Lạc Bộ Sĩ Quan, Thiếu Tá Đông gọi tôi bảo đi theo anh Quân Cảnh đang đứng chờ trước cửa phòng, lên trình diện Trung Tá Tham Mưu Phó Quân Đoàn. Vào trình diện Tham Mưu Phó, Trung Tá Vũ Xuân Quang cho tôi biết:
- Quân Đoàn vừa nhận được lệnh từ Sài Gòn bảo đưa anh vào trình diện Tổng Bộ An Ninh. Anh về nhà lấy một vài thứ cần dùng hàng ngày và ra sân bay ngay, máy bay đang chờ anh ngoài đó.
Nói rồi ông đưa cho tôi một Sự Vụ Lệnh và ra lệnh cho anh Quân Cảnh:
- Anh đưa Đại Úy về nhà lấy ít đồ cần dùng, rồi đưa ông ra ngay sân bay kẻo trễ.
Lần đầu tiên tôi nghe danh từ "Tổng Bộ An Ninh". Lạ tai quá. Trên chiếc xe jeep, tôi ngồi cạnh tài xế, anh Quân Cảnh súng lục đeo lưng ngồi phía sau. Từ Bộ Tham Mưu Quân Đoàn về nhà, rồi từ nhà ra sân bay, trong đầu tôi lởn vởn ý nghĩ, Bộ An Ninh hẳn là bao gồm các cơ quan xưa nay thường được gọi chung bằng danh từ: Cơ Quan An Ninh như Công An,  Cảnh Sát, An Ninh Quân Đội v. v. . . không biết mình sẽ lọt vào cơ quan nào đây?
Đến phi trường xe chạy thẳng tới chân thang máy bay, tại đây tôi gặp một Sĩ Quan rất quen thuộc cũng súng lục đeo lưng. Vị Sĩ Quan này là đảng viên Cần Lao tại Sư Đoàn II, trước ngày 1. 11 vẫn thường ra liên lạc, nạp báo cáo, phúc trình làng tháng cho tôi, Trung Úy Lê Công Đắc, hiện định cư tại Orange County, California. Tôi bắt tay chào hỏi anh như bình thường. Khi lên máy bay thấy anh và anh Quân Cảnh cùng lên theo, bấy giờ tôi mới biết mình bị "áp giải". Bước vào máy bay thấy hai Đại Úy Thiết và Hùng đã ngồi sẵn trên đó, tôi buộc miệng:
- Ủa! Thầy và anh cùng đi chuyến này hả?
Anh Hùng nhanh nhẩu:
- Ông Đính gọi chúng mình vào. Vậy là đủ bộ tam Xe, Pháo, Mã.
Tôi nháy mắt ra hiệu về hai người võ trang đi theo tôi, anh Hùng ồ lên một tiếng "mặc kệ họ".
Khoảng 5 giờ chiều máy bay đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Chúng tôi vừa bước xuống khỏi máy bay, Thiếu Tá Tôn Thất Đình (em Tướng Đính) đến nói: Trung Tướng Tổng Trưởng cho tôi ra đón 3 Đại Úy. Ông dẫn chúng tôi đến một xe Dodge đứng gần đó mời lên.  Ba chúng tôi và hai người áp giải tôi cùng lên ngồi phía sau. Khi xe chuyển bánh, tôi ghé tai nói nhỏ với anh Hùng: Để xem xe rẽ ngã nào, có rẽ qua Lê Văn Duyệt không? Tôi có ý ám chỉ nếu xe rẽ qua Đường Lê Văn Duyệt là họ đưa chúng tôi vào khám Chí Hòa. Nhưng không, ra khỏi phi trường, xe chạy thẳng Đường Công Lý đưa chúng tôi đến Bộ Nội Vụ, khi ấy đã được đổi là Tổng Bộ An Ninh. Xe dừng, chúng tôi xuống xe, Thiếu Tá Đình cũng từ trên xe bước xuống nói:
Mời Đại Úy Minh lên gặp Trung Tướng Tổng Trưởng. Còn hai Đại Úy (Thiết và Hùng), xin cho tài xế biết địa chỉ để đưa hai Đại Úy về nhà.
Thiếu tá Đình dẫn tôi lên lầu, mời vào phòng khách ngồi đợi, vì Tướng Đính đang tiếp mấy nhà báo ngoại quốc. Hai người áp giải tôi cũng lên theo, đứng ở ngoài cửa.
Vào phòng đợi gặp anh Tôn Thất Chữ, vừa bị cất chức Tỉnh Trưởng Pleiku sau ngày 1.11.1963, tôi mới hỏi thăm anh được vài câu thì, Tướng Đính dẫn mấy nhà báo ngoại quốc từ trong văn phòng đi ra. Thấy tôi, ông hỏi:
- Bác vô khi mô? Ai Đưa bác vô?
- Thưa tôi mới vô tức thì.
- Bác đợi tôi một chút.
Sau khi tiễn mấy nhà báo đi rồi, từ dưới lầu đi lên ông vào thẳng phòng khách bắt tay tôi và hỏi:
- Ai đưa bác vô?
Tôi thoáng nghĩ trong đầu, hay nhỉ, cho lệnh gọi vô mà lại hỏi gì lạ vậy? Và thấy thái độ ông đối với tôi không có gì thay đổi, tôi trả lời vừa có ý thăm dò vừa chọc ông:
- Thì Trung Tướng cho lệnh Quân Đoàn I dẫn giải tôi vô trình diện Trung Tướng mà.
- Đứa mô, đứa mô, nói tôi ra lệnh dẫn giải bác?
Tôi chỉ ra cửa:
- Thì hai người có võ trang dẫn giải tôi từ Đà Nẵng vô kia kìa.
Ông quay phắt người lại:
-. . . Ai nói tụi bay dẫn giải ông ni?
Hai người dẫn giải tôi lặng lẽ đi nhanh xuống cầu thang.
Tướng Đính khoác vai tôi dẫn vào phòng, chỉ vào một đống giấy tờ để dưới sàn nhà trước bàn giấy của ông:
- Đó, bác coi, toàn là tài liệu các ông liên lạc với Bắc Việt, tính Trung Lập hóa miền Nam, nên anh em Tướng lãnh phải đảo chánh các ông.
Tôi ngắt lời ông:
- Thưa Trung Tướng, bây giờ thì mọi chuyện đã rồi. Nếu các ông có tội thì đã đền tội rồi. Bây giờ, trước hết tôi xin hết lòng cám ơn Trung Tướng đã nhớ đến và cho đưa tôi vào đây.  Phần tôi như thế này là coi như bước đầu đã được an toàn. Nhưng tôi xin phép được nhắc Trung Tướng lời Trung Tướng nói với tôi mấy bữa trước đây, nếu Trung Tướng có tham gia đảo chánh là để cứu anh em. Vậy xin Trung Tướng đừng quên họ vì chắc giờ này, ở khắp nơi,  họ đã bắt đầu gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm lắm rồi.
- Bác yên chí, còn Ba Đính ở đây, không đứa mô dám đụng đến anh em mình mô.
Rồi ông hỏi:
- Khi đưa bác đi tụi nó có cho bác giấy tờ chi không?
- Thưa họ cấp cho tôi một Sự Vụ Lệnh. Vừa nói tôi vừa lấy tờ giấy từ trong túi ra đưa cho ông.
Mở ra đọc qua, ông với tay lên bàn bấm chuông. Người tùy phái mở cửa bước vào. Ông chỉ thị:
- Mời ông Đổng Lý Văn Phòng.
Ông Đổng Lý vào, Tướng Đính đưa tờ Sự Vụ Lệnh của tôi cho ông và ra lệnh:
- Ông đem tờ Sự vụ Lệnh này ra cho đánh máy vào phía sau: "Đại Úy Nguyễn Văn Minh đã trình diện Tổng Bộ An Ninh, được phép về nhà nghỉ". Đóng dấu sẵn đem vô tôi ký.
Trong khi chờ ông Đổng Lý vào lại, tôi ngồi nghe Tướng Đính kể về sự mệt nhọc và bận rộn của ông từ sau ngày "cách mạng thành công", mà không góp thêm lời nào.
Ông Đổng Lý đem giấy Sự Vụ Lệnh của tôi vào. Tướng Đính ký tên, trao lại cho tôi,  ông nói:
- Bác cứ về nhà nghỉ, có chi rắc rối cho tôi biết.
Nhìn qua khung cửa sổ thấy đèn đường đã sáng, tôi cám ơn Tướng Đính một lần nữa, và xin phép ông ra về.
Ông hỏi:
- Bác về mô và đi bằng chi?
- Thưa Trung Tướng bây giờ tôi ra lấy taxi về nhà người bà con ở trước Trường đua Phú Thọ.
Tiễn tôi ra cửa,  ông gọi người tùy phái bảo: Ra nói Thiếu Tá Đình đưa Đại Úy về nhà.
Về tá túc trong người bà con được ba bốn hôm thì, một buổi sáng khoảng 8, 9 giờ, Thiếu Tá Phạm Văn Tuy Chánh Văn Phòng Tướng Trần Văn Đôn đến kiếm tôi:
- Trung Tướng bảo tớ xuống đưa cậu lên gặp ông.
- Ủa, sao ông đang biết tớ đang ở đây?
- Tớ cũng chẳng biết nữa.
Anh Tuy đưa tôi lên Bộ Tư Lệnh Lục Quân, vào gặp Tướng Đôn ông hỏi tôi:
- Bây giờ anh có muốn lên Đà Lạt nữa không?
- Thưa Trung Tướng tình hình còn lộn xộn quá, đối với tôi lúc này, lên Đà Lạt có lẽ không được thuận tiện lắm. Nếu được, xin Trung Tướng cho tôi về một đơn vị nào ở Sài Gòn này thì tốt hơn. Nghĩ một chút, Tướng Đôn trả lời:
- Tôi cũng không nghĩ ra nơi nào thuận tiện cho anh. Bây giờ tôi phải ra Vũng Tàu chủ tọa một buổi lễ thay cho Trung Tướng Minh. Thôi anh ra bàn với Thiết và Tuy xem nơi nào thuận tiện, nói Tuy làm giấy tôi ký cho.
Sau khi cám ơn Tướng Đôn đã đối xử với tôi một cách thật đặc biệt, mà chính tôi lúc ấy cũng không thể ngờ được. Ra ngoài tôi cho hai ông Thiết và Tuy biết ý của Tướng Đôn.  Ngay lúc ấy hai ông cũng không tìm ra được nơi nào thuận tiện cho tôi. Về nhà, buổi chiều anh Ngô Văn Hùng đến thăm, sau khi nghe tôi kể chuyện gặp Tướng Đôn anh nói:
- Bây giờ tôi đưa anh lên Đại Tá Trung, ông là Trưởng Phòng 1 Bộ Tổng Tham Mưu nay kiêm luôn Giám Đốc Nha Nhân Viên Bộ Quốc Phòng, chắc ông có thể chỉ cho anh được.
Anh Hùng lái xe đưa tôi đến tư thất Đại Tá Trung, trong khu sĩ quan cấp Tá Bộ Tổng Tham Mưu. Chúng tôi đến vừa lúc Đại Tá Trung sắp bước lên xe đi chơi tennis.  Đến chào ông, anh Hùng mau mắn kể lại việc Tướng Đôn cho tôi được chọn đơn vị. Sau chừng vài phút thấy ông chưa trả lời, sợ trễ giờ chơi của ông tôi thưa:
- Để khỏi trễ giờ của Đại Tá, xin Đại Tá cho biết ngày mai giờ nào thuận tiện, tôi sẽ trở lại xin Đại Tá chỉ cho.
- Sáng mai chừng 9 giờ, toa đến văn phòng moa trong tòa nhà chánh, bên cánh trái, lầu một, moa sẽ cho biết nên về đơn vị nào.
Chúng tôi cám ơn chào Đại Tá Trung và ra về. Anh Hùng đưa tôi về nhà anh ở Đường Chi Lăng chơi. Khi xe chúng tôi gần đến ngã tư Phú Nhuận thì Đại Tá Trung lái xe theo bóp còi gọi. Xuống xe, tôi đến cạnh xe ông, ông bảo:
- Moa nghĩ ra rồi, toa nói với văn phòng Trung Tướng Đôn làm giấy cho toa về Nha Xã Hội đi. Ông Trương Khuê Quan được lắm.
- Dạ, tôi có nghe tên ông này khi ông được Tổng Thống Diệm nhờ ra Chùa Từ Đàm tìm hiểu nguyện vọng của các vị lãnh đạo tại đây. Không biết ông có coi tôi là "Cần Lao ác ôn" (danh từ thời đại) Không Đại Tá?
- Không đâu! Ông Quan là người hiểu biết lắm. Cứ về đó đi.
Tôi xin được mở một dấu ngoặc ở đây để nói một vài cảm nghĩ của tôi về Tướng Trần Văn Trung.
Với Trung Tướng Trần Văn Trung, tôi có thể nói không sợ ai: Ông là một vị Tướng "sạch". Khả năng văn hóa khá cao so với một số Tướng lãnh trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Tư cách, đạo đức, tình hình đôn hậu của ông, những người từng biết ông khó có thể phủ nhận. Không bao giờ ông trù ếm, trả thù ai. Ai gặp vận lao đao lận đận, ông đều mở rộng vòng tay giúp đỡ. Hầu như tất cả nhân viên dưới quyền từ Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan đến Binh Sĩ, ai cũng quý mến ông. Ngày mất nước, ông đã ở lại với đơn vị, với anh em cho đến khi ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, ông mới tìm đường thoát thân và may mắn ông đã thoát. Hiện ông định cư tại Pháp.
Với tôi, ông là vị Thầy khi tôi gia nhập quân ngũ, và cũng là vị Chỉ Huy Trưởng cuối cùng trong cuộc đời binh nghiệp của tôi.
Khi nhận được lệnh thuyên chuyển về Nha Xã Hội, tôi đến trình diện Trung Tá Quan.  Quả đúng như Đại Tá Trung nói, Bác Sĩ Trung Tá Trương Khuê Quan, Giám Đốc Nha Xã Hội Quân Đội là một người rất hiểu biết, sống cởi mở, bình dị thật dễ mến. Và tất cả nhân viên mọi cấp của Nha Xã Hội cũng đều rất hòa nhã. Tại đây, tôi không hề thấy một dấu chứng nào của sự kỳ thị, chia rẽ tôn giáo, cũ mới.

Sau ngày 1.11.1963, nhìn chung quanh, những người phục vụ gần Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, ông Cố Vấn Ngô Đình Cẩn và mọi người "của chế độ cũ" mà tôi quen biết, tất cả đều đã bị bắt giam. Cùng ngày tôi phải vào trình diện Tướng Trí tại Đà Nẵng, ngày 4. 11, thì ông Hồ Đắc Trọng, người phụ trách phía dân sự tại văn phòng ông Ngô Đình Cẩn bị bắt. Trong hoàn cảnh ấy, mặc dầu bản thân tôi và vợ con tôi đã từ miền Trung vào được Sài Gòn yên ổn. Nhưng tôi vẫn chuẩn bị tinh thần luôn luôn sẵn sàng để vào "họp mặt" với bạn bè trong nhà giam.

Cho đến khi sóng gió trên chính trường miền Nam tạm lắng dịu, tất cả bạn bè, người quen, thấy tôi còm "nguyên vẹn" không "hề hấn xây sát gì", đều hết sức ngạc nhiên. Thậm chí có người còn nói rằng tôi đã theo phe "cách mạng". Và chính bản thân tôi, tôi cũng chẳng hiểu tại sao lại hưởng cái may mắn lớn lao như thế? Trong khi tôi hoàn toàn thân cô thế cô, và không hề gõ cửa bất cứ một vị "anh hùng cách mạng" nào. Mặc dù tôi được quen biết hấu hết quý vị ấy. Vì tôi đã hiểu được mặt trái của cuộc đời trước sự đổi thay quá phũ phàng của nhân tình thế thái.
Chính vì điểm này mà tôi xin được phép lạm dụng thì giờ của quý độc giả, để ghi lại ở đây một vài nguy hiểm, phiền hà tôi đã vượt qua một cách rất "nhẹ nhàng, trơn tru", ngoài sự suy nghĩ tưởng tượng của tôi. Để trước hết là tạ ơn Thượng Đế đã an bài những điều tốt lành cho con. Và thứ đến là ghi ơn tất cả các vị, các bạn bè, đã giữ nguyên vẹn tình cảm đối với tôi trong những ngày đầy bất trắc khi đất nước nổi cuộc bể dâu.
Trở lại từ khi tôi được Tướng Đỗ Cao Trí gọi vào trình diện ông tại Đà Nẵng, tôi đã ngạc nhiên khi ông Phó Lãnh Sự Mỹ đến hỏi tôi về lệnh này. Và rồi ông đã chu đáo cho một máy bay đưa tôi đi, thay vì để tôi đi đường bộ vì ông sợ sẽ có nguy hiểm cho tôi. Sau khi tôi đến Đà Nẵng, vợ con tôi cũng được Tướng Trí và Đại Tá Trần Thanh Phong Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn, lo liệu cho đưa từ Huế vào cách an toàn và cấp chỗ ăn ở thật tốt đẹp.
Đến khi được đưa từ Đà Nẵng vào Sài Gòn là do lệnh của Tướng Tôn Thất Đính.  Nhưng như tôi đã kể ở phần trên, khi thấy tôi có mặt tại Tổng Bộ An Ninh, Tướng Đính đã ngạc nhiên hỏi tôi: "Bác vô khi mô? Ai đưa bác vô? "Sau này tôi mới được biết:
Ít ngày sau khi cuộc đảo chánh thành công, Tướng Đính đã đến nhiều nơi thuyết trình về thành quả cuộc "cách mạng". Khi đến Huế, gặp hai Đại Úy Thiết và Hùng, không thấy tôi,  ông hỏi: Còn Minh đâu? Anh Hùng cho tôi biết tôi được Tướng Trí gọi vào Đà Nẵng rồi. Ông liền ra lệnh: "Về Sài Gòn kêu Đại Úy Minh vào trình diện tôi"Và sau đó thì ông quên luôn.  Điều này tôi không dám trách ông, vì lúc ấy ông bận rộn quá mà. May nhờ Sĩ Quan Tùy Viên của ông, Đại Úy Nguyễn Duy Nghệ, đã cẩn thận ghi ngay lệnh của ông vào sổ tay. Khi về Sài Gòn, Đại Úy Nghệ đã theo lệnh trên thực hiện các công việc: Gửi Công Điện cho Quân Đoàn I đưa tôi vào trình diện Tổng Bộ An Ninh, yêu cầu Bộ Tư Lệnh Không Quân cho máy bay ra đón, và anh còn chu đáo nhờ chính Thiếu Tá Đình, em Tướng Đính ra sân bay đón chúng tôi.
Qua đến việc Tướng Trần Văn Đôn cho tôi chọn đơn vị ở Sài Gòn, tôi đã chọn Nha Xã Hội Quân Đội và đã được chính ông ký lệnh tuyên chuyển cho về đó. Nhưng chiều 29. 1. 1964,  ông đến thăm Nha Xã Hội, Sĩ Quan các cấp trong Nha đứng xếp hàng đón ông, trong đó có tôi.  Khi cuộc thăm viếng chấm dứt, Trung Tá Giám Đốc Trương Khuê Quan gọi tôi qua phòng cho biết, Tướng Đôn đã hỏi ông, ai cho tôi về đây? Khi được Trung Tá Quan trả lời, lệnh tuyên chuyển của tôi do ông ký. Và Trung Tá Quan diễn tả: Tướng Đôn tỏ vẻ hơi ngạc nhiên, ngúc ngúc đầu có vẻ suy nghĩ. Phải chăng cũng lại vì quá bận rộn với "công cuộc cách mạng" ông đã quên mất tình cảm tốt đẹp đã dành cho tôi khi mới đón nhận hào quang chiến thắng? Và đêm hôm ấy, ông là một trong số các vị "anh hùng cách mạng" bị hai Tướng Nguyễn Khánh và Trần Thiện Khiêm loại khỏi cuộc đua quyền lực.
Về Nha Xã Hội được khoảng hai tuần lễ, cuối tháng 11. 1963 tôi nhận được giấy Nha An Ninh Quân Đội gọi trình diện. Vì chưa bao giờ làm việc với các Nha, Sở kiểu này, tôi ngây ngô nghĩ rằng Nha gọi thì lên trình diện Giám Đốc Nha. Thế là, theo ngày giờ hẹn, tôi đến Nha An Ninh Quân Đội xin vào gặp Thiếu Tá Chánh Văn Phòng, anh Trần Hữu Độ. (Anh Độ là bạn học cùng khóa với tôi ở Huế. Thiếu Tá Độ có cấp bậc sau cùng là Đại Tá, hiện định cư tại San José) Gõ cửa bước vào tôi hỏi anh Độ:
- Cậu gọi tớ có chuyện gì đây?
- Ai gọi cậu?
Vì nghĩ rằng tất cả mọi giấy tờ của Nha đều phải qua mắt Chánh Văn Phòng, tôi nói:
- Ơ hay, Chánh Văn Phòng mà Nha gọi một Sĩ Quan đến trình diện lại không biết sao?
- Giấy gọi đâu đưa tớ coi.
Coi giấy gọi rồi, anh nói:
- May mà cậu đến đây, chứ đến đúng nơi gọi thì nó cum cậu rồi.
- Bắt tớ thì vợ con tớ đỡ phải nuôi chứ ăn nhằm gì.
- Giờ này mà cậu còn nói giọng ba gai nữa.
Nói rồi anh nhấc điện thoại, quay số và hỏi:
- Các anh mời Đại Úy Minh về chuyện gì đấy?
Sau khi nghe đầu dây bên kia trả lời, anh nói:
- Đại Úy Minh là bạn tôi. Tôi bảo lãnh ông ấy. Các anh có hỏi gì thì hỏi trong giờ làm việc. Ngoài giờ làm việc để ông ấy về. Bỏ điện thoại xuống anh nói với tôi:
- Chúng nó gọi cậu theo danh sách Hội Đồng Cách Mạng yêu cầu. Nhưng tớ đã bảo chúng nó rồi, chúng nó sẽ không giữ cậu đâu. Bây giờ cậu xuống phòng Công Tác xem nó hỏi cái gì.
Lần thứ nhất, tôi thoát không bị "cum".
Khoảng giữa tháng 1. 1964 tôi lại nhận được giấy Nha An Ninh Quân Đội gọi trình diện. Lần này trên giấy gọi ghi rõ: Trình Diện Thiếu Tướng Giám Đốc. Tôi đến trình diện Tướng Đỗ Mậu,  được ông đối xử rất tử tế. Sau khi chỉ ghế mời ngồi,  ông nói:
- Minh à! Tuy anh em mình ít gặp nhau, nhưng moa rất mến toa. Anh em cũng không ai phiền trách gì toa. Nên bữa ni moa cho gọi toa đến để khuyên toa một điều: Toa đừng mưu tính gì với các anh em cũ nữa nghe. Tình thế đã như ri rồi, toa có muốn mần chi cũng không mần được mô. Chỉ phiền và nguy hiểm cho toa thôi.
Nghe ông khuyên, tôi hết sức ngạc nhiên không biết ông muốn nói về chuyện gì. Tôi thưa lại:
- Thưa Thiếu Tướng, Thiếu Tướng muốn nói về việc gì? Tôi không hiểu!
- Thôi, toa đừng giấu moa. Moa đã nói moa rất mến toa, và vì tình anh em cũ moa mới kêu toa tới khuyên can. Nếu không, cứ để cho tụi nó hỏi toa, moa mất công mần chi.
- Tôi hết lòng cám ơn cảm tình Thiếu Tướng dành cho tôi. Nhưng quả thật tôi không hiểu Thiếu Tướng muốn nói về việc gì, làm sao tôi biết được là việc gì mà giấu.
Có lẽ nhận ra thái độ thành thật của tôi, ông nói thẳng ra:
- Toa không mưu tính gì với đám anh em cũ, thì toa ra phi trường đón Đặng Sỹ mần chi?
- Ồ! Thưa Thiếu Tướng, vậy thì tôi hiểu rồi. Xin Thiếu Tướng cho phép tôi được thưa: ứa nào đã báo cáo với Thiếu Tướng việc này theo tôi, thì một là nó ác ý muốn hại tôi, hai là nó ngu.
- Răng toa nói vậy?
- Thưa Thiếu Tướng vì nó chỉ báo cáo lý do phụ, mà lại giấu lý do chính về sự có mặt của tôi tại phi trường hôm ấy. Chắc Thiếu Tướng cũng dễ thấy, anh Sỹ bị dẫn giải chứ không phải là một hành khách bình thường, làm sao tôi biết anh đi chuyến máy bay ấy mà đón? Còn sự kiện tôi đón ba người đàn bà, một cô con gái và sáu đứa nhỏ đưa lên xe chở đi thì sao nó không báo cáo với Thiếu Tướng? Đó mới là lý do chính về sự có mặt của tôi tại phi trường hôm ấy. Những người đó là vợ, các con tôi và bà chị vợ từ Sài Gòn ra đưa vợ con tôi từ Đà Nẵng vào.
Như vậy Thiếu Tướng đã thấy lý do tôi có mặt tại phi trường hôm ấy là để đón vợ con tôi từ Đà Nẵng vào. Trong lúc tôi đứng trong phòng đợi, thì anh Sỹ được Hiến Binh áp giải đi qua. Tôi có tới bắt tay chào, hỏi thăm anh, vì dẫu sao cũng còn tình anh em. Cũng như Thiếu Tướng đối với tôi hiện giờ thôi. Chứ đâu phải tôi mưu tính gì.
- À! Ra rứa! Nhưng dầu sao moa cũng khuyên toa không nên liên lạc nhiều với anh em cũ, không có lợi cho toa.
Lần thứ hai, tôi thoát âm mưu của một tên tiểu nhân nào đó muốn tâng công với "cách mạng".
Tôi xin mở dấu ngoặc ở đây để viết đôi dòng về một sự kiện tôi được nghe trong dịp đến trình diện Tướng Mậu vừa kể trên.
Khi ngồi tại văn phòng Thiếu Tá Độ,  đợi để vào trình diện Tướng Mậu, tôi được nghe hai sĩ quan mà một người tôi quen biết. Trung Úy Lê Vinh, sĩ quan ngành Quân Cụ. Sau này Trung Úy Vinh đậu bằng Cao Học Luật, đã chuyển qua ngành Ngoại Giao và qua làm việc tại Tòa Tổng Lãnh Sự Việt Nam ở Tân Đề Li, Ấn Độ. Ông Vinh còn ở Việt Nam. Khi đi cải tạo về tôi có gặp ông một lần, và được biết ông phụ trách ban kinh tế của thành đoàn thanh niên Cộng Sản Hồ chí Minh, Sài Gòn.
Sự kiện tôi được nghe Trung Úy Vinh và một số sĩ quan nữa đọc được, là bản tự khai của một thượng úy Việt Cộng, người Thượng, về hồi chánh. Viên thượng úy này khai lý do y xin hồi chánh:
". . . xin hồi chánh vì khu vực hoạt động đã hoàn toàn bị tê liệt vì Ấp Chiến Lược. Có lệnh rút ra Bắc. Nhưng không muốn bỏ vợ con buôn xóm, nên xin về hồi chánh".
Khoảng một tháng sau, tôi lại nhận được giấy Tòa Án "Cách mạng" gọi trình diện Dự Thẩm Phòng 1. Thú thật khi nhận được giấy gọi tôi cũng hơi "r ét". Nghĩ lui nghĩ tới không biết vì chuyện gì mà mình lại bị cái tòa án xử "kh ông theo luật" này chiếu cố?
Đúng ngày giờ hẹn, tôi đến tòa án gặp lúc ông Dự Thẩm Phòng 1 đi vắng. Người tùy phái cho biết chừng mười phút nữa ông Dự Thẩm về, và mời tôi ngồi trên ghế đợi trước cửa phòng. Quả nhiên 10 phút sau, một người đàn ông ăn mặc chững chạc, tay sách cặp da đi tới.  Người tùy phái cho tôi biết người đó là ông Dự Thẩm Phòng 1. Tôi đứng dậy chào, ông bước tới bắt tay tôi nói:
- Chào anh Minh. Tôi là Trần Thanh Quan đây. Anh còn nhớ tôi không?
Vì chưa nhớ ra ông, tôi chưa kịp trả lời,  ông đã mở cửa:
- Mời anh vô trong mình nói chuyện.
Sau khi cả hai cùng đã "an tọa" tôi dè dặt thưa lại:
- Thưa xin lỗi ông Dự Thẩm, tôi nhớ mài mại, không rõ, hình như tôi đã được gặp ông Dự Thẩm ở đâu rồi?
- Phải rồi, gặp nhau có một lần, lúc đó anh lại khách khứa nhiều quá làm sao nhớ được. Tôi là Trần Thanh Quan bạn anh Thiết. Hồi tôi bị đổi ra Tòa Thượng Thẩm Huế,  được anh Thiết đưa lại thăm anh một lần. Anh nhớ ra chưa?
- Thưa có phải ông Dự Thẩm trước cùng là sĩ quan ngành Quân Cụ với ông Thiết?
- Đúng đấy.
- Vậy thì tôi nhớ ra rồi, thưa ông Dự Thẩm.
- Anh bị liên hệ đến vụ một ông già bị Quận Hương Trà bắt và tra tấn. Gia đình nạn nhân đâm đơn kiện. Hiến Binh đang thụ lý thì anh ra lệnh ngưng điều tra và xếp nội vụ. Anh có nhớ vụ này không?
- Thưa ông Dự Thẩm tôi nhớ. Vụ này là do anh em Bảo An Quận Hương Trà phục kích ban đêm, bắt được một ông già rải truyền đơn Việt Cộng. Đưa về Quận, khi hỏi cung để tìm ra đầu mối, ông không chịu khai, nhân viên thẩm vấn đã dùng biện pháp mạnh với ông, bị gia đình ông đệ đơn kiện. Khi Hiến Binh đang tiến hành cuộc điều tra thì ông Trần Quốc Thái, Quận Trưởng, đến nhờ tôi xin ông Cẩn can thiệp cho ngưng cuộc điều tra, kẻo anh em mất tinh thần hết cả. Ông Cẩn chỉ thị cho tôi hỏi Hiến Binh, nếu đúng là ông này bị bắt khi đang rải truyền đơn Việt Cộng, thì yêu cầu họ xếp nội vụ. Ông nói: "Với bọn hoạt động Cộng Sản, anh em có đối xử nặng tay một chút thì cũng bỏ qua cho người ta. Điều tra lên điều tra xuống hoài thì còn ai dám chống cộng nữa". Sau khi được Hiến Binh xác nhận ông già bị bắt quả tang đang rải truyền đơn Cộng Sản, tôi có yêu cầu họ ngưng điều tra và xếp nội vụ.
- Thời gian ở Huế tuy chỉ có mấy tháng, nhưng tôi đã thấy được những điều người ta nói về ông Cẩn và anh chẳng đúng chút nào. Việc của ông Cẩn ngoài tầm tay của tôi. Nhưng với anh, để có thể dẹp hẳn hồ sơ, tôi cần phải có biên bản cuộc hỏi cung và đối chất giữa anh và người Hiến Binh phụ trách vụ này. Nhưng anh yên tâm, anh chỉ thi hành lệnh trên, chẳng có tội gì, tôi sẽ lo cho anh.
Nói rồi ông cho mời ông Thượng Sĩ Hiến Binh ngồi đợi ngoài cửa vào. Sau khi nghe hai chúng tôi đối chất theo các câu hỏi ông đưa ra, ông cho Thượng Sĩ Hiến Binh ra về. Còn tôi ngồi lại với ông,  ông nói:
- Anh đợi tôi viết xong biên bản, nếu anh đồng ý thì ký, rồi về.
Sau một hồi hý hoáy viết, ông đưa cho tôi biên bản cuộc đối chất và hỏi cung viết kín 4 trang giấy và bảo tôi:
- Đây là nội dung cuộc đối chất vừa rồi, anh đọc đi. Nếu anh đồng ý thì ký vô,  để tôi cho xếp hồ sơ cho rồi.
Nhận xấp giấy từ tay ông Quan, tôi cầm bút ký không đọc một chữ nào và đưa cho ông.
- Vậy là xong. Anh yên tâm về đi, không có chuyện gì nữa đâu.
Và sau đây là trường hợp ông Trần Thanh Quan biết và rồi có cảm tình với tôi.
Khoảng giữa năm 1959-1960 gì đó, tôi không nhớ chính xác ngày tháng. Một buổi chiều tôi vừa từ văn phòng về nhà thì Đại Úy Thiết đến chơi, dẫn theo một người tôi chưa hề quen biết. Ông Thiết giới thiệu: Đây là Thẩm Phán Trần Thanh Quan bạn tớ, vừa từ Sài Gòn ra, tớ đưa lại thăm cậu.
Mời hai ông vào nhà, sau một hồi thăm hỏi qua lại về gia đình, công ăn việc làm, những chuyện trời nắng trời mưa, hai ông cáo từ ra về. Mấy hôm sau ông Thiết đến chơi lại, và bây giờ ông mới cho tôi biết, tại sao đưa ông Quan lại chơi cách bất ngờ không cho tôi biết trước. Ông kể:
"Trần Thanh Quan với tớ cùng ngành Quân Cụ, cùng được đi Pháp học về Quân Cụ với nhau. Sau khi được giải ngũ hắn học luật. Lấy được Cử Nhân Luật, thi đậu ngành Thẩm Phán, được đổi ra làm việc tại Tòa Thượng Thẩm ở đây (Huế). Khi biết hắn bị đổi ra đây, mấy người quen đã hù hắn rằng, ra Huế toa phải nhớ làm cho được hai việc:
1.  Mỗi khi đi qua nhà ông Cẩn phải xuống xe đi bộ, không thì có ngày ở tù.
2.  Phải làm sao gặp cho được thằng Đại Úy Minh ở văn phòng ông Cẩn, không thì sống không yên đâu.
Hắn sợ quá, nhưng không làm sao chạy chọt cho khỏi phải ra đây được. Nên vừa tới đây, từ xân bay Phú Bài hắn đem cả va li, đồ đoàn đến thẳng nhà tớ, kể lại sự tình nhờ tớ chỉ vẽ và che chở.
Nghe câu chuyện bịa đặt một cách ghê gớm và tức cười quá, thấy phải cho hắn biết sự thật, tớ bảo hắn: Từ lúc cậu tới đây tới giờ, tớ chưa ra khỏi nhà và cũng chưa liên lạc điện thoại với ai. Bây giờ để cậu thấy thực hư, cậu ra xe tớ đưa cậu lên nhà ông Cẩn rồi qua nhà Minh xem sao. Tớ lái se đưa hắn lên nhà ông Cậu, cho vào coi vườn, coi chim một vòng rồi đưa lại cậu. Trên xe về lại nhà tớ hắn cứ lắc đầu: Tại sao người ta lại có thể bầy đặt ra một cách quái đản như vậy?"
Ông Quan làm việc ở Huế bao lâu, được thuyên chuyển về Sài Gòn khi nào tôi không hay. Lần thứ hai tôi được gặp ông tại tòa án "cách mạng" như vừa kể trên.
Ít lâu sau, tôi được biết ông Quan được qua làm việc tại Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Pháp.  Hy vọng bây giờ ông cũng còn ở Pháp và đọc được những dòng này, tôi viết để bày tỏ lòng cám ơn và cảm phục, một con người lương hảo trong giới cầm cân nảy mực, giữa thời buổi cường quyền ngồi trên công lý.
Trước khi chấm dứt mục này, tôi thấy không thể để sót, không kể ra đây một sự kiện lạ lùng đã xảy ra đến với tôi trong cả hai lần tôi gặp cảnh khó khăn nhất trong cuộc đời. Và cũng để ghi lại đây một tấm lòng quý hóa của một người anh em, mà tôi và vợ con tôi không khi nào quên ơn.
Thời gian làm việc với ông Cẩn. Đôi lần vào Sài Gòn, mỗi khi tôi đi đây đó, được một người anh em, chú Trần Hữu Tuệ, cùng đi, giúp tìm những địa chỉ tôi cần đến (chú Tuệ hiện định cư tại Vancouver Canada). Sự quen biết, tình cảm giữa anh em chúng tôi chỉ có thế. Chú Tuệ làm ăn sinh sống ở Sài Gòn. Một lần ra Huế thăm người đàn anh đang là sinh viên lớn tuổi nhất của Đại Học Luật Khoa Huế, ông Nguyễn Hữu Tiệp, chú có ghé thăm tôi. Ngoài ra giữa hai chúng tôi chẳng có tiếp xúc, liên lạc gì với nhau.
Vậy mà, trưa ngày 2. 11. 1963, chú từ đâu không biết,  đã đến với chúng tôi: "Em biết lúc này anh rối rắm lắm. Em ra xem anh có cần gì đến em không. Nếu anh phải vắng nhà thì xin anh cứ yên tâm. Em sẽ lo mọi chuyện cho chị và các cháu". Chú đã giúp đỡ vợ con tôi mọi chuyện từ Huế vào Đà Nẵng, và xuốt hơn một tháng vợ con tôi ở Đà Nẵng. Khi vợ con tôi vào Sài Gòn bằng đường hàng không, thì chú đã đi theo xe chở đồ đạc của chúng tôi từ Đà Nẵng vào đến Sài Gòn.
Sáng ngày 30. 4. 1975, khi nghe ông Dương Văn Minh ra lệnh chuẩn bị bàn giao cho "cách mạng". Tôi không gặp được Trung Tướng Trung để xin quyết định của ông về Trung Tâm Huấn Luyện Hạ Sĩ Quan Chiến Tranh Chính Trị tôi đang chỉ huy, vì ông mắc họp với ông Dương Văn Minh trong Dinh Độc Lập. Tôi tập họp toàn bộ nhân viên, khóa sinh của Trung Tâm Huấn Luyện, làm lễ chào cờ lần chót rồi ra lệnh giải tán Trung Tâm.
Về nhà chở vợ con đi kiếm đường thoát, nhưng đã quá trễ. Tôi cùng với dòng người đồng cảnh vào tá túc trong Đại Chủng Viện Sài Gòn trên Đường Cường Để. Chừng hơn bốn giờ chiều, chú Tuệ lại xuất hiện: "Chắc anh chị và các cháu từ sáng tới giờ chưa có gì ăn. Em đem đến ít ổ bánh mì, anh chị cho các cháu ăn cho đỡ đói". Tôi ngạc nhiên đến sững sờ: "Sao chú biết chúng tôi ở đây mà đến?". Chú trả lời tôi bằng tiếng cười hì hì: "Để em chạy đi kiếm cho các cháu ít nước uống". Chú đã ở lại với chúng tôi suốt đếm hôm ấy cho đến sáng hôm sau, khi đề nghị xuống Vùng IV kiếm đường vượt biên của chú bị tôi bất đắc dĩ từ chối. Vì qua một đêm suy nghĩ, tôi không biết gửi gắm 1 vợ, 9 đứa con với 20 bàn tay vừa yếu ớt vừa trắng trơn cho ai. Nhưng rồi tôi cũng bỏ lại vợ dại con thơ, để họ tự bươm chải trong dòng đời đảo điên một cách thật thảm hại suốt gần mười năm trường. Trong khi tôi cùng hàng chục ngàn bạn đồng ngũ đủ mọi cấp "được học tập lao động" trong các trại tù cải tạo Cộng Sản.  

Trong mục này tôi xin được đề cập tới một số quý vị Tướng lãnh, mà tôi xin được mạn phép gọi là "Ngũ Đại Trụ". Vì theo chỗ tôi cũng như nhiều người biết, quý vị là những nhân vật "trụ cột", quyết định sự thành bại của cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963 và chỉnh lý đêm 29 rạng ngày 30. 1. 1964.
Nhưng trước khi nói ra đôi điều tôi được biết về quý vị, tôi xin được công khai nhìn nhận rằng, tất cả quý vị đều là ân nhân của tôi. Tôi vô cùng cảm kích và không bao giờ, cho đến bây giờ, khi viết những dòng này, tôi có thể quên được tình cảm quý vị đã dành cho tôi sau ngày 1.11.1963.  Đặc biệt, với quý cố Trung Tướng Trần Văn Đôn, cựu Trung Tướng Tôn Thất Đính và cố Thiếu Tướng Đỗ Mậu.

Tôi biết khi ghi lại những hiểu biết nhỏ nhoi của tôi hoặc trực tiếp, hoặc do lời kể của nhân chứng về quý vị, trong các phần trước và trong mục này, có những điều làm quý vị không được vừa lòng.
Nhưng kính thưa quý vị, điều đó không hề vương vấn một chút "vô ơn bạc nghĩa nào". Điều đó chỉ vì, trách nhiệm và lương tâm đối với các thế hệ mai sau. Vì những thế hệ này, trong nhiệm vụ phục vụ Quê Hương và Dân Tộc, họ cần và phải được học hỏi những điều hay, cũng như những cái dở, nơi những người đi trước. Nhất là nơi những người đã từng một thời tự dành lấy trách nhiệm đối với sự Thịnh Suy của Đất Nước, sự Tồn Vong của Dân Tộc.
Tôi thành thật kính trọng mong được quý vị thông cảm và thứ lỗi.
TRUNG TƯỚNG TRẦN VĂN ĐÔN
Tôi được nghe tên Tướng Trần Văn Đôn khi ông là Đại Tá Tham Mưu Trưởng Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Quốc Gia thời Tướng Nguyễn Văn Hinh làm Tổng Tham Mưu Trưởng. Sau này tên tuổi ông được nhắc đến nhiều hơn, khi ông tổ chức buổi lễ "h ỏa thiêu" cấp hiệu của quân đội Pháp mà quân đội quốc gia vẫn mang, khi cấp hiệu này được thay thế bằng bông mai. Tôi chỉ thực sự biết và được tiếp xúc với ông, khi ông ra giữ chức Tư Lệnh Quân Khu II, giữa tháng 10. 1957.
Là một Tướng lãnh hàng đầu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, ông sinh trưởng tại Pháp, học Trường sĩ quan của Pháp ở Tông và Bắc Việt năm 1944, phục vụ trong quân đội Pháp. Ông hồi Việt tịch và tiếp tục phục vụ trong Quân Đội Quốc Gia với cấp bậc Đại Tá, khi Thủ Tướng Ngô Đình Diệm thu hồi nền độc lập hoàn toàn cho đất nước.
Từ hồi xa xưa, không biết được phát minh từ giới nào, sinh viên, học sinh hay Quân Nhân, mà đám thanh niên hầu như không ai không biết ba điều kiện "phải có", để được lọt vào mắt xanh của các "nàng tiên", "Đẹp trai-Học giỏi-Con nhà giàu". Với Tướng Đôn, hai điều kiện 1 và 3 ông có dư. Riêng điều kiện 2 thì tôi không được rõ, nhưng có điều chắc, ông không phải là người kém thông minh. Vả lại, điều kiện này nếu có thiếu nơi ông, thì nó đã được thay thế bằng địa vị lớn nhất nhì trong Quân Đội Quốc Gia khi trước, và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sau này. Vì vậy mà ông đã lọt vào mắt xanh không phải chỉ một, mà quá nhiều nàng tiên. Cũng vì vậy mà ông đã bị mang nhiều tai tiếng về vụ đàn bà con gái.
Người miền Nam thường được coi là bộc trực, thẳng thắn, nghĩ sao nói vậy. Nhưng trường hợp Tướng Đôn lại là một biệt lệ. Là con người đa cảm, ông cư xử rất khôn khéo, kín đáo, ít nói, rất nhã nhặn, lịch sự với mọi người kể cả hàng Binh Sĩ. Gần như ông không làm mất lòng ai bao giờ.
Sau khi ông nhận chức Tư Lệnh Quân Khu II được ít ngày, một hôm ông Cẩn gọi tôi bảo:
- Ông Đôn xin một Sĩ Quan làm Chánh Văn Phòng, chú coi trong anh em có ai không?
- Thưa Cậu, ông Đôn là Tây con, một Sĩ Quan làm Chánh Văn Phòng cho ông phải thông thạo tiếng Pháp mới được. Ở đây con không biết có anh em nào không. Nhưng con có ông Thầy dạy con hồi nhỏ, hiện là Sĩ Quan Quân Cụ ở Sài Gòn. Ông có bằng tú tài Pháp, đã đi Pháp học về quân Cụ, nói tiếng Pháp lưu loát.
- Chú vô Sài Gòn xin cho anh nớ tuyên chuyển ra ngoài ni.
Hai ngày sau tôi vào Sài Gòn, đến gặp ông Thầy cũ của tôi, Trung Úy Phạm Văn Thiết,  trong Khu Cư Xá Hòa Bình đối diện rạp chiếu bóng Palace ở Đường Trần Hưng Đạo. Tôi phải mất gần một buổi tối mới thuyết phục được ông bỏ Sài Gòn. Ông Thiết làm Chánh Văn Phòng cho Tướng Đôn đến sau ngày đảo chánh 1.11.1963 ít lâu sau thì ông về lại ngành Quân Cụ.
Ít tháng sau, Tướng Đôn ngỏ ý xin Linh Mục Đỗ Bá Ái, Giám Đốc Tuyên Úy Công Giáo Quân Khu II, dạy đạo và rửa tội cho ông. Cha Ái đã khuyên ông không nên gấp gáp quá,  hãy bình tĩnh tìm hiểu đạo cho thấu đáo, ngài sẽ giúp ông trong chuyện đó. Ngài cũng lưu ý ông rằng, điều cốt yếu là thực sự TIN và MUỐN. Vấn đề rửa tôi chưa cần thiết, vì theo ý ngài,  việc ông vào Đạo Công Giáo lúc này sẽ làm mất thế giá của ông. Sau này nhiều lần gặp ngài ông Đôn không nhắc gì đến chuyện học đạo nữa.
Vì có quen biết với Ông Bà Ngô Đình Nhu và ông Ngô Đình Cẩn từ trước, nên Tướng Đôn không những được hai ông mà cả Tổng Thống Diệm có phần tin tưởng, nể trọng. Phần Tướng Đôn, trước mặt Tổng Thống Diệm và ông Nhu, ông Cẩn, ông cũng giữ được tư cách tương đối xứng đáng hơn nhiều vị tai to mặt lớn và Tướng lãnh khác.
Suốt thời gian ông giữ chức Tư Lệnh Quân Khu II, sau là Quân Đoàn I Vùng I Chiến Thuật, từ cuối 1957 đến cuối 1962, thỉnh thoảng tôi chỉ gặp ông trong nhà ông Cẩn, không có dịp gặp riêng ông bao giờ. Ngoại trừ một lần ông mời tôi dùng cơm gia đình với ông tại tư dinh. Dự bữa cơm chỉ có ông, Đại Úy Thiết và tôi. Bữa cơn thanh đạm, đặc biệt có món cá bát sống chấm mắm tôm. Một món ăn mà tôi nghĩ, người miền Nam rất ít, có thể nói là không ai biết thưởng thức. Vì đó là món chỉ dành cho người dân nghèo miền Bắc.  Ông tỏ ra có cảm tình với tôi nhiều hơn chỉ từ sau cuộc binh biến 11.11.1960.
Số là khi cuộc binh biến 11.11.1960 xảy ra, không biết do ngẫu nhiên hay có mưu tính,  mà các Tư Lệnh Quân Đoàn và Sư Đoàn đều về họp tại Sài Gòn. Khi vụ binh biến thất bại, vì muốn sắp xếp lại nhân sự trong các chức vụ chỉ huy, nên các vị này được yêu cầu tạm lưu lại Sài Gòn, trong đó có Tướng Đôn. Tướng Hồ Văn Tố được Bộ Tham Mưu đưa ra tạm Quyền Tư Lệnh Quân Đoàn I Vùng I Chiến Thuật. Mấy ngày sau Tướng Tôn Thất Đính cũng từ Sài Gòn ra, tạm nghỉ tại nhà vãng lai cấp Tướng, trong khi Tướng Tố cũng đang tạm trú tại đó. Ban đêm, một cuộc sô xát xảy ra giữa hai ông Tố và Đính. Sáng hôm sau khi biết sự việc, ông Cẩn nói với tôi: "Mình muốn nâng đỡ cho Đính, mà hắn con nít quá như ri, mần răng?" Chú lên viết thơ trình Tổng Thống xin cho ông Đôn ra lại!.
Mấy ngày sau Tướng Đôn ra nắm lại Quyền Tư Lệnh Quân Đoàn I Vùng I Chiến Thuật.
Khoảng hai tháng sau, đầu năm 1961, một hôm ông Cẩn gọi tôi bảo: Chú chuẩn bị bàn thờ Tổ Quốc trên Văn Phòng, để 10 giờ sáng mai cho ông Đôn tuyên thệ gia nhập đảng. Tôi sẽ chủ trì buổi lễ. Chú cũng chuẩn bị một tiệc trà nhỏ để sau buổi lễ anh em uống trà cho vui.  Không may đêm ấy ông Cẩn bị đau bất thình lình. Sáng hôm sau ông phải ủy cho ông Nguyễn Đình Cẩn, Bí Thư Khu Bộ Phan Đình Phùng, cơ sở đảng Cần Lao dân sự tại Trung Phần, thay ông chủ trì buổi lễ tuyên thệ gia nhập đảng Cần Lao của Tướng Đôn.
Suốt 5 năm nắm quyền Tư Lệnh Quân Đoàn I Vùng I Chiến Thuật, khi ở Huế, lúc ở Đà Nẵng, Tướng Đôn luôn giữ được mối liên hệ rất tốt với ông Cẩn. Lâu lâu ông vẫn ra vào ông Cẩn một cách vui vẻ, kính cẩn. Kể cả khi ông đã rời Quân Đoàn I vào giữ chức Tư Lệnh Lục Quân tại Sài Gòn, khi Bộ Tư Lệnh này được thành lập vào cuối năm 1962. Ông đã để Đại Úy Thiết ở lại Huế, một phần là để giữ cho mối liên hệ giữa ông và ông Cẩn không bị gián đoạn và trở ngại. Và ba ngày trước ngày ông khởi động cuộc đảo chánh, ngày 28. 10. 1963, ông vẫn ra "mừng sinh nhật" ông Cẩn.
Phần ông Cẩn, cũng vẫn dành cho Tướng Đôn sự trọng nể hơn các Tướng lãnh khác,  ngoại trừ Đại Tướng Nguyễn Văn Tỵ. Mắc dầu Tướng Đôn hay bị tố cáo về vấn đề liên hệ với nhiều phụ nữ, nhưng ông Cẩn vẫn tỏ ra có một quan niệm rộng rãi đối với ông về vấn đề này,  như tôi đã kể trong phần về con người ông Cẩn.
Được tất cả các vị lãnh đạo Đệ I Cộng Hòa nể trọng và biệt đãi như vậy nhưng, Tướng Đôn lại đã âm thầm tổ chức cuộc đảo chánh lật đổ các vị ấy như chính ông kể lại với tôi sau đây.
Sau khi ông bị hai Tướng Nguyễn Khánh và Trần Thiện Khiêm chỉnh lý đêm 29 rạng ngày 30. 1. 1964 cùng với một số bạn "đồng hội đồng thuyền", bị giam lỏng và quản thúc một thời gian, rồi bị giải ngũ và được tự do. Một hôm ông cho Thiếu Tá Phạm Văn Tuy Chánh Văn Phòng của ông, mới tôi đến ăn cơm với ông tại nhà anh, trong một hẻm nhỏ ở cuối Đường Nguyễn Tri Phương gần Chợ Cá Trần Quốc Toản. Dự bữa cơm chỉ có ông, anh Tuy và tôi.  Trong bữa ăn ông đề cập đến hai việc:
Việc thứ nhất là vụ đảo chánh 1.11.1963. Đại để ông cho tôi biết phần lớn việc thực hiện cuộc đảo chánh 1.11.1963, từ sắp đặt kế hoạch, móc nối tổ chức nhân sự ở các nơi đều do ông thực hiện. Khi mọi việc đã được sắp xếp xong xuôi rồi, chỉ còn chọn ngày giờ hành động,  mới đưa ông Dương Văn Minh vô, vì ông Minh từ trước vẫn được coi là đàn anh của các Tướng lãnh, sau Đại Tướng Lê Văn Tỵ. Nhưng ông (Đôn) không dính dấp gì đến cái chết của Tổng Thống Diệm và ông Nhu.
Theo câu Tướng Dương Văn Minh nói với Hội Đồng Tướng Lãnh, chiều ngày 2. 11. 63,  sau khi cuộc đảo chánh thành công: "Các "toi" còn cần gì "moi" không để "moi" còn đi đánh tennis"? thì điều thứ nhất trên đây có lẽ Tướng Đôn nói thật.
Tướng Đôn cũng cho tôi biết, sáng ngày 2. 11, nếu Tổng Thống Diệm giữ im lặng chừng nửa tiếng đồng hồ nửa tiếng đồng hồ nữa thì các Tướng đảo chánh đã chạy trốn rồi. Vì lúc 6 giờ 30 khi cánh quân của Sư Đoàn 5 chiếm được Dinh Gia Long,  ông Thiệu báo cáo không thấy Tổng Thống và ông Nhu, không biết hai ông ở đâu. Các Tướng đảo chánh lúc ấy mất hết tinh thần, hốt hoảng chuẩn bị vào Bộ Tư Lệnh Không Quân để chạy sang Cao Miên hoặc Thái Lan. Vừa lúc ấy thì nhận được điện thoại Tổng Thống cho biết đang ở Nhà Thờ Cha Tam và yêu cầu đón ông về Bộ Tổng Tham Mưu.
Khi tôi hỏi lý do làm đảo chánh, ông nói:
- Một mặt vì tình hình nội bộ không giải quyết được vụ Phật Giáo. Những bất ổn càng ngày càng trầm trọng gây nhiều bất mãn. Trong khi tình hình chiến sự ở mọi nơi đều gia tăng cường độ, kể từ khi có những bất ổn nội bộ. Mặt khác vì áp lực quá mạnh từ phía người Mỹ.  Nếu còn Tổng Thống và ông Nhu thì mình sẽ không có phương tiện chiến đấu.
- Thưa, Trung Tướng nói không dính dấp gì đến cái chết của Tổng Thống và ông Nhu nghĩa là làm sao?
- Tôi thật sự ân hận về việc này. Tôi,  ông Đính và ông Khiêm không hề có ý định làm hại tính mạng ông Cụ và ông Cố Vấn (Nhu). Khi được biết ông Cụ và ông Cố Vấn ở Nhà Thờ Cha Tam và yêu cầu đón hai ông về Bộ Tổng Tham Mưu, tôi đã nói ông Đính cho người đi đón, nhưng sau đó Trung Tướng Minh dành cử người đi. Thấy ông Minh sai ông Xuân đi tôi đã nghĩ ngay đến việc phải bảo vệ hai ông. Tôi nói với Đại Tá Lắm cùng đi với ông Xuân, và yêu cầu ông Xuân phải đến gặp ông Đính trước khi đến đón ông Cụ và ông Cố Vấn. Khi đoàn xe đi rồi tôi yên tâm và dọn phòng Đại Tướng Tỵ, cắt đường dây điện thoại, cho đặt thêm giường. . .  để hai ông tạm nghỉ trong khi chờ máy bay đưa ra ngoại quốc. Công việc chưa xong thì tôi được báo, hai ông đã chết.
- Thưa, lúc ấy Trung Tướng có tin là hai ông tự tử không?
- Khi vừa nghe tin, tôi ra ngay phòng họp thấy ông Xuân lên báo cáo với ông Minh "mission accomplie" (nhiệm vụ hoàn tất) tôi biết ngay là hai ông bị giết.
- Thưa Trung Tướng, vậy tại sao Hội Đồng Tướng Lãnh lại ra thông báo là hai ông tự tử?
- Vì lúc ấy không ai ước tính được phản ứng của thế giới, của dân chúng, nhất là dân di cư, và ngay cả trong Quân Đội, nếu họ biết hai ông bị giết sẽ ra sao. Nên phải nói như vậy để,  một mặt an dư luận, một mặt thăm dò phản ứng.
Việc thứ hai được ông đề cập là, đề nghị tôi hợp tác tổ chức một cuộc "đảo chánh".  Chắc vì ông nghĩ rằng tôi có khả năng quy tụ được một số nhân vật và lực lượng đáng kể (Cần Lao). Ít lâu sau, thấy tôi chưa đáp ứng, ông đã nhắc lại đề nghị này trong dịp cựu Đại Tá Nguyễn Hữu Duệ và tôi đến phân ưu với ông Trần Văn Đôn khi thân phụ ông qua đời. Vì đã biết rằng khi ấy mọi việc đều do người Mỹ sắp đặt, Đại Tá Duệ và tôi bảo nhau cùng làm thinh trước đề nghị của Tướng Đôn.
Tôi cảm thấy chưa được thỏa mãn về những giải thích của ông. Bởi vì, ông là một Tướng lãnh hàng đầu của Quân Đội, từng đại diện Chính Phủ và Quân Đội điều tra về tai nạn tại Đài Phát Thanh Huế đêm mồng 8. 5. 1963. Trước kia ông từng sinh hoạt hàng tuần với ông Ngô Đình Nhu về tình hình chính trị, quân sự trong nước và ngoại quốc. Hơn ai hết ông phải biết nguyên nhân và thực trạng của những vấn đề ông đưa ra để chứng minh cho hành động làm đảo chánh của ông, mà tôi cho là quá đơn giản và không hoàn toàn chính xác. Vì vậy, tôi vẫn thắc mắc có tìm hiểu thêm xem có động lực nào khác nữa, đã góp phần thúc đẩy ông có hành động nhiều mạo hiểm đối với bản thân ông, và thiếu thành thực đối với những người luôn thành thực với ông. Cho đến sau ngày 30.4.1975, qua một số sự kiện và đến khi được đọc Hồi Ký của ông, tôi mới thấy được những động lực này.
Chắc nhiều độc giả biết và còn nhớ, thời Đệ II Cộng Hòa, sau khi bị rớt khỏi Thượng Viện, Tướng Đôn đã ra ứng cử và đắc cử Dân Biểu tại Quảng Ngãi. Hồi ấy, trong nhiều dịp gặp gỡ riêng tư, một số bạn bè nguyên là Cán Bộ Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia, đảng viên đảng Cần Lao, quê quán tại Quảng Ngãi và các Tỉnh thuộc Vùng I Chiến Thuật, đặt nghi vấn và hỏi tôi về sự kiện này. Vì ai cũng có thể thấy 90% dân chúng Tỉnh Quảng Ngãi không biết đến tên Tướng Đôn, nói chi đến thành tích hoạt động của ông mà bầu cho ông. Và với tình hình an ninh thời bấy giờ, làm sao Tướng Đôn đến được các Thôn xã của một Tỉnh vốn là lãnh địa của cơ quan đầu não (liên khu ủy) của liên khu 5 Việt Cộng, để vận động, ra mắt dân chúng? Về phía Quốc Gia, Quảng Ngãi là lãnh địa của Quốc Dân Đảng. Tướng Đôn không phải là đảng viên Quốc Dân Đảng. Thực tình khi ấy tôi chỉ nghĩ rằng đó là kết quả do "phù phép" của chính quyền.
Nhưng, sau ngày 30. 4. 1975, người dân Sài Gòn, nhất là giới nghệ sĩ, đều biết cô "đệ nhất đào bi" Kim Cương được chính quyền Cộng Sản ưu đãi đặc biệt, vì cô đã được móc nối và cộng tác với họ từ trước. Dĩ nhiên là cô được dùng để thực hiện nghiệp vụ gián điệp bằng mỹ nhân kế. Có nhiều người còn cho biết, họ đã từng thấy cô mang cấp bậc thiếu tá Cộng Sản.  Từ sự kiện này, tôi nhớ lại sự liên hệ tình cảm khắm khít giữa Tướng Trần Văn Đôn và cô đào này. Họ khắm khít nhau đến độ có nhiều chuyện tình tứ, mây mưa. . . giữa hai người đã được ghi nhận. Một mối tình mà người ta thường gọi là: "Già nhân ngãi, non vợ chồng". Tôi thấy rằng,  mối tình này đã ảnh hưởng không nhỏ trên quyết định làm đảo chánh của Tướng Đôn, đã đưa ông ra ứng cử và đặc cử Dân Biểu đơn vị Quảng Ngãi.
Thi hành công tác gián điệp, cô Kim Cương khi đã "chài" được Tướng Đôn, cho dù cô có thật sự si mê ông đi nữa, thì tình yêu cô dành cho ông cũng không thể nào là thứ tình "cho không biếu không" được.
Vì vậy, việc nữ gián điệp Kim Cương dùng mối tình khắm khít cô dành cho Tướng Đôn để khai thác và ảnh hưởng trên ông trong những công việc và quyết định của ông trong các chức vụ ông nắm giữ, để mang lại lợi ích tối đa cho tổ chức của cô là điều dễ hiểu. Theo tôi, đây là động lực thứ hai, sau những hứa hẹn của chính quyền Hoa Kỳ, đã thúc đẩy Tướng Đôn tổ chức cuộc đảo chánh một cách quá liều lĩnh. Liều lĩnh với bản thân ông nếu cuộc đảo chánh bất thành. Nhất là liều lĩnh với tương lai đất nước khi ông tổ chức đảo chánh lật đổ cả một chế độ, một bộ máy điều khiển cuộc chiến chống cộng đang đi vào giai đoạn quyết liệt, chỉ vì bất bình với chế độ chứ chẳng phải vì tình hình nội bộ, tình hình an ninh v. v. . . như ông đã nói với tôi. Điều này do chính Tướng Đôn thú nhận trong hồi ký Việt Nam Nhân Chứng của ông, khi Lucien Conein, người đại diện của Đại Sứ Cabot Lodge bên cạnh các Tướng đảo chánh hỏi ông, sáng sớm ngày 2. 11:
Conein hỏi: "Theo lời yêu cầu của chính phủ Mỹ, xin quý ông cho biết chương trình hoạt động sau khi cuộc đảo chánh hoàn thành".
Tướng Đôn ghi lại: "Tôi thối thác vì thực ra chúng tôi chưa bàn với nhau gì về chương trình xây dựng sau khi đảo chánh thành công. Chúng tôi làm vì bất bình chứ chưa phải là người chính trị". ( Việt Nam Nhân Chứng. Trang 227)
Một hành động có tính cách quyết định tương lai của cả một dân tộc đã được các Tướng đảo chánh ngày 1.11.1963 làm chỉ vì "bất bình chứ không hề có một kế hoạch gì để xây dựng sau đó".
Hành động vô ý thức, vô chính trị của các Tướng đảo chánh được Tướng Đôn thú nhận trên đây, đã được Bắc Việt đánh giá bằng 10 năm chiến đấu của họ.
Trong bản phân tích tình hình sau chính biến 1.11.1963 tại miền Nam được Hà Nội phổ biến, để hướng dẫn cán bộ của họ khai thác những thuận lợi do chính biến này đem lại, có đoạn viết:
"Cuộc nổi dậy của nhân dân miền Nam lật đổ chế độ độc tài, khát máu, gia đình trị Diệm-Nhu đã giúp cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta rút ngắn được ít nhất là mười năm".
Tài liệu nói trên đây do một đơn vị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thuộc Quân Đoàn III bắt được trong cuộc hành quân tại mật khu Hố Bò thời gian ngắn sau cuộc đảo chánh 1.11.1963, được giao nạp cho Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu và Cục An Ninh Quân Đội.
Tôi không biết Tướng Đôn và các bạn "đồng hội đồng thuyền" của ông nghĩ thế nào khi đọc tài liệu này?
Tướng Tôn Thất Đính, vị Tư Lệnh các lực lượng đảo chánh, có lẽ do đọc tài liệu này mà ông đã nhìn nhận cuộc "hành quân 1.11.1963" là "một thảm bại lớn lao đối với lịch sử". . .  "Ai cũng đều thất bại kể cả Hoa Kỳ là nước đồng minh, khi kẻ thù từ quốc tế đến quốc nội bắt đầu vỗ tay cho tương lai chiến thắng của chủ nghĩa Cộng Sản".  (20 Năm Binh Nghiệp.  Trang 455) Một tấm gương can đảm.
Việc Tướng Đôn chọn đơn vị bầu cử Quảng Ngãi, lãnh địa của liên khu ủy khu 5 Việt Cộng để ra ứng cử dân biểu và đã đắc cử, liệu có phải do sự sắp xếp của nữ gián điệp Kim Cương không? Có nhiều phần chắc là phải. Vì vào Hạ Viện với cấp bậc và chức vụ ông đã từng nắm giữ trong suốt cuộc đời binh nghiệp của ông, chức Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Phòng Hạ Viện Việt Nam Cộng Hòa làm sao lọt khỏi tay ông? Hơn nữa, ông đã nắm chức vụ này khi ở Thượng Viện. Chức vụ này ai cũng biết, là một trong những nơi mà các tổ chức tình báo và gián điệp của địch luôn luôn tận tình chiếu cố.
Tưởng cũng nên nói qua, tại miền Nam, thời Đệ II Cộng Hòa, Hạ Viện có hai vị Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Phòng là cựu Trung Tướng Trần Văn Đôn, có liên hệ rất khắm khít với một nữ gián điệp của đối phương như vừa nói trên. Và vị kia là Đại Tá Đinh văn Đệ, một cán bộ Cộng Sản nằm vùng.
Như vậy, sách lược Quốc Phòng của miền Nam còn chút gì là "MẬT" đối với đối phương nữa không?
Một sự kiện khác nữa mà theo tôi, cũng là một yếu tố giúp Tướng Đôn hăng hái tổ chức đảo chánh Tổng Thống Diệm. Đó là sự kiện ông Hội Trưởng Hội Tiên Thiên Thánh Giáo Huế, truyền lệnh thánh chỉ thị cho Tướng Đôn phải đảo chánh chế độ Ngô Đình Diệm như đã được đề cập trong phần "Tại sao biến động cờ Phật Giáo được khởi động tại Huế". Vì ông tin rằng đó là sứ mạng được thần thánh trao phó.
Tóm lại, lý do khiến Tướng Trần Văn Đôn đã liều lĩnh tổ chức cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963 là vì:
- Trên đầu ông có vị Thánh của Tiên Thiên Thánh Giáo.
- Bên phải ông người tình, gián điệp của Cộng Sản.
- Bên trái ông có ông bạn Lucien Conein, gián điệp người đồng minh vĩ đại Hoa Kỳ.
Những lý do đẹp đẽ và đơn giản như ông nói với tôi nếu có, cũng chỉ là những lý do phụ, rất phụ mà thôi.
Về tâm trạng ân hận về việc Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu bị sát hại của Tướng Đôn, tôi không biết mức độ thật thà của ông trong lời nói này đạt được đến mức nào. Vì trong hồi ký Việt Nam Nhân Chứng của ông, ông lại đã cho rằng, quyết định giết Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu là một quyết định khôn ngoan.
Có lẽ khi viết hồi ký, Tướng Đôn đã có một nhận định khác hẳn với tâm trạng được ông thổ lộ với tôi trước kia, vì khi ấy ông đã nhận ra sự chính xác của lời nhận xét được cựu Tổng Thống Trần Văn Hương, khi đang làm Thủ Tướng, nói với một Nhà Ngoại Giao Anh:
"Các Tướng lãnh hàng đầu vì sợ chết, họ đã quyết định ám sát Tổng Thống Diệm và em ông. Các Tướng lãnh biết quá rõ rằng họ bất tài, không có đạo đức và kể cả không được dân chúng hậu thuẫn, họ không thể ngăn cản một cuộc trở về ngoạn mục của Tổng Thống và ông Nhu nếu hai ông còn sống". (Our Vietnam Nightmare. Trang 215)
TRUNG TƯỚNG TÔN THẤT ĐÍNH
Khi về phục vụ tại Tiểu Đoàn 7, qua số anh em binh sĩ được đưa từ Quảng Bình vào để thành lập Tiểu Đoàn này, tôi đã được nghe danh Đại Úy Tôn Thất Đính, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 12 tại Quảng Bình. Một sĩ quan trẻ, lanh lợi, nhưng tính tình thì nóng như Trương Phi.
Khi ông về làm Tư Lệnh Sư Đoàn I Bộ Binh được ít lâu, sau vụ đụng độ với Thiếu Tá Võ Văn Cảnh Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 1 Sư Đoàn I, trong dịp tiếp đón Bộ Trưởng Phụ Tá Quốc Phòng Trần Trung Dung tại Trung Đoàn này. Buổi chiều ông đến kể lại với tôi diễn tiến sự việc và cho biết ông sẽ phạt ông Trung Đoàn Trưởng này. Tôi thấy nhận xét của anh em Binh Sĩ về tính nóng nảy của ông tôi được nghe khi ở Tiểu Đoàn 7, đúng thật. Cũng may, suốt thời gian ông chỉ huy Sư Đoàn 1, ngoài vụ Thiếu Tá Cảnh, không xảy ra vụ đụng độ nào khác giữa ông và anh em Quân Nhân trong Sư Đoàn nữa.
Vì nóng nảy, nhiều tự ái và háo thắng, nên lúc nào ông cũng muốn, bằng mọi cách, vượt lên trên tất cả bạn bè. Từ tâm trạng đó, hình như ông luôn luôn bị sự thèm khát chức tước và địa vị dày vò mà không giấu giếm được.
Sau khi Đại Tá Trần Ngọc Tám được vinh thăng Thiếu Tướng, ông đã tỏ ra bực bội, bất mãn gần như công khai. Trong thời gian này, tất cả những ai có dịp tiếp xúc với ông đều nhận thấy thái độ ấy của ông. Ông Ngô Đình Cẩn biết tình trạng này, một đôi lần ông đã định can thiệp cho ông Đính, nhưng ông còn ngại vì thấy ông Đính "tính tình còn con nít" quá. Nhưng cuối cùng, dịp may của ông Đính cũng đã đến.
Nếu tôi nhớ không lầm thì giữa năm 1957, Tổng Thống Diệm quyết định mở con đường chiến lược xuyên sơn từ Lăng Minh Mạng lên đến vùng Ashao-Aluoi, giáp với biên giới Lào. Một địa điểm chiến lược mà sau này đã xảy ra những trận đụng độ ác liệt từng gây chấn động dư luận Việt-Mỹ, giữa quân đội Cộng Sản Bắc Việt và quân đội Mỹ. Việc thực hiện con đường được giao cho Sư Đoàn 1 Bộ Binh do Đại Tá Tôn Thất Đính, đảm trách.
Cuối mùa Hè năm 1958, công trình thực hiện con đường hoàn tất, Tổng Thống ra thị sát và khánh thành. Buổi chiều, từ Ashao-Aluoi trở về, ông đã đi thẳng xuống nhà nghỉ của ông Cẩn ở Thuận An.
Chiều hôm ấy tôi xuống trình công việc với ông Cẩn, ông bảo tôi vào phụ ông sắp đặt lại căn phòng của ông để Tổng Thống nghỉ qua đêm. Trong lúc chúng tôi đang dọn dẹp trong phòng, thì Tổng Thống về đến. Đứng trước cửa phòng, ông tươi cười hỏi ông Cẩn:
- Ở như ri thì. . . tiêu, tiểu vô mô?
- Dạ thưa anh có chứ ạ!
Và ông Cẩn đi ra hướng dẫn Tổng Thống vào nhà vệ sinh, trong khi đó tôi tiếp tục dọn trong phòng. Lúc ông trở lại, tôi đề nghị với ông:
- Bữa nay ông Cụ vui quá. Chắc con đường Sư Đoàn 1 làm, ông Cụ vừa ý lắm. Cậu xin cho ông Đính lên Tướng cho rồi. Để ông bất mãn nói lung tung hoài, bất lợi đối với anh em ở dưới.
- Ừ! Chắc ông Cụ vừa ý về con đường ấy lắm. Để xin cho hắn cho rồi.
Khi Tổng Thống trở ra, ông Cẩn hướng dẫn ông đi coi quanh nhà. Vừa lúc phái đoàn tháp tùng Tổng Thống gồm một số vị Bộ Trưởng, Đại Tướng Lê Văn Tỵ, Trung Tướng Trần Văn Đôn, vào tới phòng khách. Theo Tổng Thống ra phòng khách rồi trở lui, ông Cẩn nói với tôi:
- Được rồi! Ông Cụ chấp thuận cho Đính lên Tướng rồi. Sáng mai gắn lon, chú về cho hắn biết cho hắn mừng.
Trong bữa tiệc anh em Sư Đoàn I khoảng đãi mừng ông vinh thăng, ông đã tuyên bố một câu làm cho anh em rất hài lòng. Ông nói: "Cặp sao tôi nhận được bữa nay là do công lao của tất cả anh em, chứ không phải của riêng mình tôi".
Ít tháng sau, đầu năm 1959, ông bàn giao Sư Đoàn cho Đại Tá Nguyễn Văn Chuân và lên Cao Nguyên nhận quyền Tư Lệnh Quân Đoàn II Vùng II Chiến Thuật, thay thế Tướng Trần Ngọc Tám. Khoảng giữa năm 1959, ông Cẩn sai tôi lên thăm ông tại Pleiku. Sau lần này, tôi chỉ có dịp gặp lại ông mỗi lần ông ra Huế và đến chào thăm ông Cẩn. Cho đến bốn ngày sau khi xảy ra cuộc binh biến 11.11.1960, Tướng Đính từ Sài Gòn ra Huế. Buổi tối Đại Úy Ngô Văn Hùng Giám Đốc Nha Công Tác Xã Hội Miền Thượng mời tôi ăn cơm với ông tại văn phòng của anh. Cơm xong, khoảng 10 giờ, tôi cáo từ ra về, ông cùng đi với tôi. Về nhà tôi, ông ngồi nói chuyện đến hơn 1 giờ sáng, uống thêm gần hết chai rượu Johnnie Walker. Kết ý câu chuyện dài mấy tiếng đồng hồ, ông chỉ trích cách làm việc thiếu chặt chẽ, tắc trách của Bộ Tổng Tham Mưu, và kết luận:
"Ba Đính mà làm Tổng Tham Mưu Trưởng thì sức mấy mà đứa mô mần đảo chánh được".
Từ nhà tôi ông về nghỉ ở nhà vãng lai cấp Tướng, và trong đêm đó xảy ra vụ xô xát giữa ông và Tướng Tố như tôi đã thuận lại ở phần trên.
Đến cuộc đảo chánh 1.11.1963, việc ông tham gia cuộc đảo chánh này, ngoài phần ông hé hở với tôi như đã được kể lại trong mục "Tiền Đảo Chánh" tôi được cựu Trung Tá Nguyễn Duy Nghệ, khi ấy là Đại Úy Tùy Viên của ông, cho biết một số sự kiện như sau:
Trước ngày đảo chánh chừng một tuần, Tướng Đính cùng với Tướng Đôn từ Sài Gòn ra Quân Đoàn I. Đến Đà Nẵng Tướng Đôn ở lại gặp Tướng Trí, Tướng Đính bay ra Huế gặp ông Cẩn.
Cùng ngày, trên đường về lại Sài Gòn, ghé Đà Nẵng đón Tướng Đôn và Đại Tá Hồ Tấn Quyền Tư Lệnh Hải Quân, ghé Đà Lạt gặp Tướng Khánh tại sân bay Liên Khương.
Đêm trước ngày đảo chánh (30. 11), Tướng Đính thao thức suốt đêm, ông gọi tôi (Đại Úy Nghệ) vào hỏi:
- Kế hoạch toa đã biết, toa nghĩ moa có nên làm không?
- Theo tinh thần Trung Quân, Ái Quốc, xin Thiếu Tướng xét lại. Tôi không dám có ý kiến. Đại Úy Nghệ thưa lại.
- Nhưng moa làm chuyện này là để cứu ông Cụ, với sự đồng ý của ông Cậu.
Đêm 1. 11 Tướng Đính băn khoăn lo lắng cả đêm. Ông ra lệnh cho Đại Tá Thiệu, Tư Lệnh Sư Đoàn 5, phải tìm cho được hai "objets précieux" (báu vật). Đến sáng, khi được Trung Tướng Đôn yêu cầu đi đón Tổng Thống và ông Nhu, ông cho lệnh sửa soạn xe Beaulieu của ông để đi đón, nhưng lấy cớ bận, cử Đại Tá Lâm Văn Phát thay mặt. Ông Phát cũng sợ không dám đi. Vừa lúc ấy, Tướng Đôn điện thoại cho ông:
- Thôi toa khỏi đi. Trên này cử phái đoàn đi. Phái đoàn sẽ đến gặp toa trước khi đi.
Khi Tướng Xuân dẫn đoàn xe đi rồi,  ông Đính gắn lon Tướng cho ba Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu, Lâm Văn Phát và Nguyễn Hữu Có. Chừng 45 phút sau, khi các ông còn đang vui vẻ thì Tướng Đôn điện thoại cho Tướng Đính. Nghe điện thoại, Tướng Đính ngạc nhiên nói lớn:
- Có chuyện đó sao?
Rồi ông gọi ông Thiệu.
- Thiệu, toa nghe này!
Cầm điện thoại nghe Tướng Đôn nói, Tướng Thiệu (mới được ông Đính gắn lon) sửng sốt hỏi:
- Hai ông tự tử à?
Tướng Đính tỏ ra hết sức buồn bực, ông cho lệnh tất cả giải tán rồi ra xe lên thẳng Bộ Tổng Tham Mưu.
Khi đến Bộ Tổng Tham Mưu, ông Đính vừa xuống xe, ông Mậu đứng đâu quanh đó chạy ra nói:
- Hai ông nằm trong xe ở bên kia, Thiếu Tướng qua coi một chút.
Với vẻ giận dữ, Tướng Đính vung cây gậy chỉ huy đang cầm trong tay suýt trúng mặt ông Mậu.
- Coi răng được mà coi.
Nói rồi, bỏ mặc ông Mậu đứng đó, ông đi thẳng lên phòng họp trong tòa nhà chính.
Buổi chiều, tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III, ông được Bưu Điện Sài Gòn mời 8 giờ sáng hôm sau đến nhà Bưu Điện, có Bà Ngô Đình Nhu từ Mỹ muốn nói chuyện với ông. Ông không chịu đến nhà Bưu Điện và yêu cầu Nha Bưu Điện nội trong đêm, cho thiết lập một đường dây đặc biệt từ nhà Bưu Điện Sài Gòn đến Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III, trong Trại Lê Văn Duyệt để ông sử dụng.
Sáng hôm sau, đúng giờ Bà Ngô Đình Nhu từ Mỹ gọi về. Bà hỏi ông:
- Anh Đính! Ai cho phép anh làm như vậy?
- Thưa bà, không phải tôi.
- Không phải anh thì tôi không cần nói chuyện với anh! Cuộc điện đàm chấm dứt.
Từ những sự kiện trên đây, có thể, việc sát hại Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu đã xảy ra ngoài ý muốn của ba Tướng Đôn, Đính, Khiêm như Tướng Đôn nói với tôi. Ít nữa là trong dự mưu. Nó cũng giúp tôi hiểu được thái độ bình tĩnh của ông Cẩn,  khi được tôi trình lại lời báo cáo của Tướng Đính, lúc gần 12 giờ đêm 1. 11: "Trong này anh em đã thi hành lệnh của ông Cố Vấn". Nhưng nó lại đem đến cho tôi một thắc mắc lớn khác: Tướng Đính đã theo lệnh ai hay tại sao, và ông lý luận thế nào để thuyết phục ông Cẩn mà được ông Cẩn đồng ý để ông làm đảo chánh "cứu ông Cụ"? Và có thật sự là có việc ấy không? Hay chỉ là vì ông Cẩn đã được biết có kế hoạch Bravo I. Bravo II?
Dù nói cách nào đi nữa để tránh né trách nhiệm đối với cái chết của Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu. Nhưng là những Tướng lãnh tự cho mình là mưu trí, tài ba thao lược, trong khi đang nắm trọn Quyền và Lực trong tay, mà lại để xảy ra một sai phạm quá lớn đối với dự mưu, với lương tâm và sự liêm sỉ của mình một cách dễ dàng như thế, thì người ta khó có thể giải thích cách nào khác hơn, là phải nhìn nhận rằng, nhận xét của Cố Tổng Thống Trần Văn Hương về các Tướng làm cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963 vừa được trích dẫn ở trên, quả thật là chính xác.
Cuốn tự truyện 20 Năm Binh Nghiệp được Tướng Tôn Thất Đính viết sau 32 năm (66-98) ông rời quân ngũ. Vốn là một "con sâu" rượu, điều này tất cả những ai đã quen biết ông đều rõ. Có lẽ rượu đã tàn phá trí nhớ của ông khá nhiều, nên nhiều chuyện được ông tự thuật,  ngoài những điều ông nói về Đảng và Quân Ủy Cần Lao tôi sẽ minh xác trong Chương nói Đảng Cần Lao, không được đúng lắm theo những gì tôi biết.
Tuy nhiên, tôi cũng phải nhìn nhận rằng, trong số các vị Tướng đã viết hồi ký nói về vụ đảo chánh ngày 1.11.1963, về anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Tướng Tôn Thất Đính là người còn có ít nhiều lương tri, hành văn tương đối đàng hoàng và can đảm, dám thẳng thắn nhìn nhận chính biến này không phải là một thành công, mà là một thảm bại lớn lao đối với lịch sử và đã góp phần đưa miền Nam đến cuộc đại bại sau cùng.  (20 Năm binh Nghiệp. Trang 455)
Theo hiểu biết của tôi, với cá nhân Tướng Đính, việc quyết định tham gia vào âm mưu đảo chánh ngày 1.11.1963 là hành động dại dột nhất của đời ông. Nói cách khác, Tướng Đính là người dại dột và bị mất mát nhiều nhất khi tham gia cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963. Nó đã làm cho mộng ước trong suốt cuộc đời binh nghiệp của ông: Chức Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đang ở trong tầm tay, phút chốc vuột mất và hoàn toàn bị tiêu tan. Nó đã làm cho ông mất cả danh dự, làm tắt lịm tất cả mọi "hào quang" ông đã tạo được trong suốt "20 năm binh nghiệp", đưa ông vào một cuộc sống càng ngày càng tối tăm hơn. Và chắc chắn tình trạng ấy sẽ kéo dài cho đến hết đời ông. Phải chăng đó là một hình phạt?
TƯỚNG TRẦN THIỆN KHIÊM
Tôi không biết gì nhiều về Tướng Trần Thiện Khiêm người được mệnh danh "ông ngậm miệng ăn tiền". Từ biệt danh này, người ta dễ dàng nhận ra ông là một mẫu người khá hiếm thấy trong giới người Nam.
Lần đầu tôi được gặp ông là vào năm 1953, khi ấy ông mang cấp bậc Đại Úy, ở trong "ê kíp", "Có-Lắm-Thiệu-Khiêm" từ miền Nam, cùng với Đại Tá Trương Văn Xương ra thay thế Đại Tá Nguyễn Ngọc Lễ, và "ê kíp" Bộ Tham Mưu Việt Binh Đoàn của ông này đi ra Bắc, Nhưng chỉ là một cuộc gặp thoáng qua do một người bạn tôi giới thiệu. Lần thứ hai tôi gặp ông là dịp sau cuộc binh biến 11.11.1960, tôi đã kể trong mục nói về cuộc binh biến này ở Chương I.
Khi xảy ra cuộc binh biến 11.11.1960, ông Khiêm đang là Đại Tá Tư Lệnh Sư Đoàn 21 kiêm quyền Tư Lệnh Quân Khu V tại Cần Thơ. Ông đã đem Sư Đoàn 21 về chống đảo chánh, trong tinh thần "đảng viên cứu giá Lãnh Tụ".
Theo ông Huỳnh Văn Lang, Tổng Giám Đốc Viện Hối Đoái, Bí Thư Liên Kỳ Bộ Cần Lao Nam-Bắc Việt, Tướng Khiên được ông Lang kết nạp vào đảng Cần Lao từ trước giữa năm 1955. Khi ấy ông còn là Trung Tá, không có chức vụ gì, đang đợi ra Tòa Án vì là chủ tịch đảng Con Ó của Tướng Nguyễn Văn Hinh, hoạt động chống lại Chính Phủ. Trung Tá Khiêm sinh hoạt trong Tiểu Tổ Quân Sự, còn gọi là Hội Nghiên Cứu Quân Sự của Liên Kỳ, cùng với Đại Tá Nguyễn Quang Sanh, Chỉ Huy Trưởng Hiến Binh, Trung Tá Nguyễn Hữu Phước, Tổng Nha Bảo An, Thiếu Tá Nguyễn Văn Hiệu, Sở An Ninh Bộ Nội Vụ, và sau có thêm Thiếu Tá Phạm Ngọc Thảo.
Liên Kỳ Bộ Cần Lao do ông Lang phụ trách đã giải tán từ cuối năm 1957. Nhưng khi đem quân về chống đảo chánh, Đại Tá Khiêm đã tuyên bố, ông hành động với tư cách đảng viên Cần Lao Liên Kỳ. Sau đó trong một dịp gặp lại, ông Lang hỏi ông Khiêm: Liên Kỳ giải tán lâu rồi, anh lấy danh nghĩa ai vậy? Đại Tá Khiêm xác định, ông quên việc Liên Kỳ đã giải tán, nhưng Cần Lao thì còn đúng.
Sau khi lập được thành tích này, với tính tình hòa nhã, kín miệng, tư cách đứng đắn,  không bị tai tiếng gì về tiền bạc, trai gái, ông đã được Tổng Thống Diệm, ông Nhu và ông Cẩn rất quý mến và tin tưởng. Vì vậy mà có dư luận nói rằng, ông đã vào đạo Công Giáo và được Tổng Thống Diệm nhận làm con nuôi. Theo tôi được biết, quả thật đã có lần ông ngỏ ý muốn được học và theo đạo Công Giáo. Nhưng ông Ngô Đình Nhu, người cực lực chống đối việc các viên chức cao cấp trong chính quyền và Quân Đội thời bấy giờ xin vào đạo Công Giáo, đã khuyên ông bỏ ý định ấy. Một điểm đáng ghi là, Tướng Khiêm không ra Huế lần nào, nhưng có cho bà Khiêm ra nhờ phu nhân Tướng Đính đưa đến văn phòng Cố Vấn Chỉ Đạo xin vào chào ông Cẩn. Tiếp hai bà, ông Cẩn đã tỏ rõ lòng quý mến và tin tưởng ở các đức lang quân của các bà, qua những món quà đặc sản địa phương, đúng hơn là đặc sản gia đình, gửi tặng các ông.
Nhờ ở tính ít nói, kín miệng, với nét mặt khó tìm do tư tưởng, và cách làm việc hết sức cẩn trọng của ông, Tướng Khiêm đã không để hở một mảy may nào về mưu đồ đảo chánh ngày 1.11.1963. Qua Trung Tá Phạm Thứ Đường, tôi được biết, cho đến trước ngày cuộc đảo chánh bùng nổ chừng một tuần lễ, danh sách số Tướng lãnh có ý đồ mưu phản, Dinh Gia Long có được, vẫn không thấy có tên Tướng Trần Thiện Khiêm. Đến nỗi, theo ông Dương Văn Hiếu cho tôi biết, một kế hoạch chống đảo chánh của Lực Lượng Cảnh Sát Đặc Biệt đệ trình Tổng Thống Diệm, đã được Tổng Thống giao cho Tướng Khiêm nghiên cứu để cung cấp quân số.  Và cho mãi đến ngày miền Nam sụp đổ, người ta vẫn không nghe thấy ai nói đến Tướng Khiêm đã đóng vai trò gì trong cuộc chính biến này. Phải đợi cho đến năm 1994, khi cựu Đại Tá Phạm Bá Hoa, Sĩ Quan Chánh Văn Phòng của ông cho ra mắt bà con cuốn hồi ký Đôi Dòng Ghi Nhớ, người ta mới bật ngửa: Chính Tướng Trần Thiện Khiêm mới là người nắm giữ vai trò "chủ chốt" trong cuộc đảo chánh 1.11.1963. Cũng vì sự lầm lẫn về con người Tướng Khiêm một cách quá ngây thơ mà tôi đã gặp ông lần thứ ba hồi giữa năm 1968, cũng tại nhà riêng của ông trong Bộ Tổng Tham Mưu, để làm nhịp cầu đưa ông ngồi vào chiếc ghế Tổng Trưởng Nội Vụ. Khi ấy ông đang là Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Đài Loan, còn rất e ngại đối với những thế lực chống đối tại Việt Nam. Và rồi từ Bộ Nội Vụ, ông tiến vào làm chủ nhân ông tòa nhà trước Sở Thú Sài Gòn (Phủ Thủ Tướng) cho đến đầu tháng 4. 1975. Thời gian ông còn ngồi ở Bộ Nội Vụ, vì công việc, tôi gặp ông lần thứ tư, được ông tiếp rất niềm nở và lịch sự. Nhưng thấy ông quá dè dặt và thận trọng, nên từ đó không bao giờ tôi gặp lại ông nữa.
Theo tiết lộ của cựu Đại Tá Phạm Bá Hoa, một thời gian trước ngày 1.11.1963, Tướng Khiêm đã có những cuộc tiếp xúc hết sức kín đáo, với một nhân vật bí mật nào đó. Việc tiến hành cuộc tiếp xúc được sắp đặt thật cẩn trọng. Từ nhà ra đi, có hộ tống, hộ vệ đầy đủ. Đến giữa chặng đường, ông được xe lạ chờ sẵn. Từ đó, không hộ tống, không hộ vệ, một mình ông dùng xe lạ đến nơi hẹn.
Điều đó cho thấy Tướng Khiêm là người nắm giữ những bí mật then chốt của cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963. Mong rằng cựu Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, không giữ mãi tính cố hữu "ngậm miệng" đem theo những bí mật ấy xuống mồ. Mà Đại Tướng sẽ cho bạch hóa một cách thật đầy đủ, thật trung thực những bí mật ấy, để các thế hệ con cháu có được những bài học, những kinh nghiệm quý giá, giúp họ trong trách nhiệm phục vụ đất nước và dân tộc sau này.
TƯỚNG NGUYỄN KHÁNH
Tướng Nguyễn Khánh được một số anh em ở Huế tặng cho biệt danh là "Ông Tá lỳ".
Tôi không nhớ rõ ngày tháng, nhưng khoảng thượng bán niên năm 1956, sau khi nhận chức Tư Lệnh Sư Đoàn I Bộ Binh tại Huế, Đại Tá Nguyễn Khánh đến xin được vào chào ông Cẩn. Không biết vì muốn thử thách hay vì lý do nào khác mà ông Cẩn. Không biết vì muốn thử thách hay vì lý do nào khác mà ông Cẩn không chịu tiếp ông. Đại Tá Khánh liền áp dụng chính sách "lỳ". Từ hôm sau, mỗi buổi sáng, đầu giờ làm việc, với quân phục chỉnh tề, ông tự lái xe đến đậu ngay trước cổng nhà ông Cẩn. Sau khi yêu cầu nhân viên gác cổng trình ông Cẩn xin cho ông gặp, ông trở vào ngồi trong xe đợi hàng tiếng đồng hồ. Không được gặp, sáng hôm sau ông lại đến. Và cứ như vậy ba bốn buổi sáng liền. Cuối cùng thì ông cũng đã được ông Cẩn tiếp.
Khi xảy ra cuộc binh biến 11.11.1960, Tướng Khánh trong chức vụ Tổng Thơ Ký Thường Trực Quốc Phòng, đã nhanh nhẹn vào ngay Dinh Độc Lập. Từ trong Dinh ông đã điều binh khiển tướng, chống lại quân đảo chánh. Từ đó, cũng như Tướng Trần Thiện Khiêm, ông được Tổng Thống Diệm cũng như ông Nhu, ông Cẩn hoàn toàn tin tưởng và quý mến.
Trong cuộc đảo chánh 1.11.1963, như tôi đã thuận lại trong mục "Tiền Đảo Chánh",  sáng ngày 30 tháng 10 ông còn ra chúc mừng sinh nhật ông Cẩn. Tôi không được biết nội dung cuộc gặp gỡ. Nhưng qua thái độ đặc biệt chưa từng có của ông Cẩn đối với ông, là sau khi ông ra về, ông Cẩn sai tôi đem một chai Champange và một cặp tré qua nhà Tướng Đỗ Cao Trí (Tướng Khánh dùng cơm trưa với Tướng Trí trước khi về lại Pleiku) với lời nhắn: "Ông Cậu biếu hai Thiếu Tướng dùng cho vui". Tôi nghĩ, hẳn đã có phải có câu chuyện gì đặc biệt trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa ông Cẩn và ông sáng hôm ấy.
Ngày 1.11.1963, khi tiếng súng đảo chánh nổ tại Sài gòn, Tướng Khánh đã tập họp Bộ Tham Mưu và các Đơn Vị Trưởng của Quân Đoàn II, ông tuyên bố:
"Sài Gòn đang có biến. Thủy Quân Lục Chiến Đài Phát Thanh, đang bao vây Dinh Gia Long, nội đêm nay sẽ dứt điểm. Tôi tuyên bố tình trạng khẩn trương trong toàn lãnh thổ. Kể từ giờ phút này, chỉ có cấp chỉ huy duy nhất là tôi, cấm không ai được liên lạc về Sài Gòn. Chúng ta là những thanh niên của thế hệ, chúng ta phải làm gì để sau này khỏi hổ thẹn với con cháu chúng ta".
Sau đó ông lập một Bộ Tham Mưu nhẹ, được tăng cường Liên Đoàn 3 Thiết Giáp của Thiếu Tá Lương Bùi Tùng, vào đóng trong Đồn Điền Trà Catecka.
Trong cuộc đảo chánh lần này, bốn vị Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn, theo cựu Đại Tá Phạm Bá Hoa, trừ Tướng Đính Tư Lệnh Quân Đoàn III đã ở trong thành phần nhóm Tướng lãnh đảo chánh. Tướng Trí Tư Lệnh Quân Đoàn I, gửi công điện ủng hộ. Và Tướng Huỳnh Văn Cao là người cuối cùng lên tiếng ủng hộ đảo chánh. Sau khi được tin Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu đã bị sát hại, Tướng Khánh nói với các Sĩ Quan trong Bộ Tham Mưu:
"Anh em ai khóc, tiếc thương Cụ Diệm thì vào phòng đóng cửa lại mà khóc. Phần tôi,  không còn cách nào khác hơn là phải gởi điện về ủng hộ nhóm Dương Văn Minh".
Cựu Thiếu Tá Đặng Đức Thắng, hiện định cư tại Thành Phố Pacoima, Los Angeles,  California, một Sĩ Quan trong Bộ Tham Mưu Quân Đoàn II khi ấy biết rõ chuyện này.
Tôi có nghe một nguồn tin nói rằng, trong các kế hoạch chống lại một cuộc đảo chánh được ngoại bang hỗ trợ, ông Ngô Đình Nhu có sắp đặt với Tướng Khánh, sẽ dùng Quân Đoàn II làm điểm xuất phát của lực lượng chống đảo chánh. Kế hoạch dự phòng trường hợp các lực lượng trung thành với Tổng Thống Diệm tại Sài Gòn bị khống chế, Tổng Thống sẽ được đưa đến một nơi an toàn không xa Sài Gòn. Ông Nhu sẽ lên Pleiku và cùng Tướng Khánh chỉ huy cuộc phản công.
Thái độ, hành động và những lời tuyên bố của Tướng Khánh vừa được thuận lại trên đây, cộng với sự kiện ngày 29. 10 ông Cố Vấn Nhu đột ngột gọi Sĩ Quan Tùy Viên, Đại Úy Nguyễn Ngọc Hạp vào cho biết, biến động sẽ xảy ra trong một hai ngày nữa. Ông sai Đại Úy Hạp đưa ba người con của ông lên Đà Lạt ngay trong ngày hôm ấy. Những yếu tố này làm cho nguồn tin trên đây tăng thêm độ chính xác. Tuy nhiên, đến nay chỉ còn một mình Tướng Khánh là người biết đích xác có kế hoạch ấy hay không.
Cho dù kế hoạch dùng Quân Đoàn II làm điểm phản công chống đảo chánh có hay không, cử chỉ đối xử với Tướng Khánh một cách đặc biệt khác thường của ông Cẩn ngày 30. 10. 1963. Và thái độ của Tướng Khánh trong thời gian diễn biến cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963, cho thấy Tướng Khánh không hoàn toàn tán thành một cuộc đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Nhưng ông đã áp dụng chính sách bắt cá hai tay, để bên nào ăn thì ông cũng có phần. Hoặc là ông đã được ai đó nói nhỏ cho biết hoạt cảnh ngày 1. 11 sẽ còn màn hai nữa. Và trong bố cục của màn hai, ông sẽ là một vai chính, như Tướng Khiêm tiết lộ với ba Sĩ Quan: Đại Tá Nguyễn Hữu Phước, Trung Tá Nguyễn Văn Phước và Trung Tá Nguyễn Đức Xích, khi ba Sĩ Quan này đến cám ơn Tướng Khiêm vì ông đã cứu họ khỏi tay Tướng Mai Hữu Xuân. Tướng Khiêm nói:
"Thôi chuyện đã qua rồi, thương tiếc cũng không làm gì cho ông "Cụ", ông Nhu được nữa. Nhưng còn nữa, chưa hết đâu".  (Nhân Chứng Một Chế Độ. Tập 3. Trang 261)
Sau khi đã cùng với Tướng Trần Thiện Khiêm, loại được các "anh hùng" ngày 1.11.1963, nắm trọn quyền hành trong tay. Tướng Khánh đã áp dụng một chính sách có thể gọi được là "chính sách chong chóng" gió chiều nào che chiều ấy, nhằm bảo vệ địa vị và quyền lực. Chính sách này đã khiến ông dùng quyền lực sửa đổi luật pháp để giết cho được ông Ngô Đình Cẩn. Một hành động mà tôi chắc ông không hề nghĩ tới trong buổi trưa ngày 30. 10. 1963,  khi cùng với Tướng Đỗ Cao Trí, uống chai champange với đồ nhậu rất bắt mắt là hai con tré do chính người nhà ông Cẩn làm. Chỉ vì ông nghĩ rằng xác ông Cẩn sẽ là cái bệ vững chắc cho chiếc ngai quyền lực của ông. Chính sách này cũng đã khiến ông, sau 6 tháng nắm trọn quyền hành, thay đổi cách nhìn đối với Tướng Trần Thiện Khiêm. Từ một người bạn đồng thuyền,  Tướng Khiêm đã trở thành mối đe dọa nguy hiểm cho quyền lực của ông. Và Tướng Khiêm đã bị buộc phải ra ngoại quốc sống đời lưu vong suốt thời gian cầm quyền còn lại của Tướng Khánh. Mặc dù không phải một mình Tướng Khánh buộc được Tướng Khiêm phải rời quê hương.
Cũng cần nói thêm một điều khá khôi hài Tướng Khánh đã làm theo chính sách này.  Đó là ông đã ra một sắc lệnh hạ cấp bậc, giải nhiệm, các công chức mà ông gọi là: "Đã được thăng thưởng quá lạm trong thời Ngô Triều". Trong khi việc thăng thưởng dưới Triều của ông, nhất là trong Quân Đội, thì không biết dùng danh từ "quá lạm", đã diễn tả được đầy đủ "tình trạng" tăng thưởng của thời kỳ này chưa?
Cuối cùng thì chính ông cũng trở thành nạn nhân của cái "chính sách chong chóng" của ông. Ông phải rời bỏ quyền lực, xa lìa quê hương, để sống cuộc đời lưu vong từ đầu năm 1965 cho đến ngày nay.
Âu đây cũng là một bài học quý cho những ai toan tính xây dựng tình liên kết trên nền tảng quyền lợi cá nhân hoặc phe phái.
TƯỚNG ĐỖ MẬU
Trong số những người chủ mưu cuộc đảo chánh 1.11.1963, cho đến nay, Tướng Đỗ Mậu là người nổi tiếng nhất, nhờ cuốn hồi ký chính trị Việt Nam Máu Lửa Quê hương Tôi của ông. Một cuốn hồi ký được nhà văn Nguyễn Đạt Thịnh diễn tả một cách rất chính xác là "Một lời chửi rủa dài cả ngàn trang".
Do cái "lời chửi rủa dài cả ngàn trang" này, mà những người đã từng quen biết, cộng tác với ông trong nhiều thời kỳ, hiểu biết nhiều về con người ông, đã tốn khá nhiều giấy mực nói về ông và công trình "đặc sắc" này của ông. Đúng hơn, là của nhóm anh em của ông, như ông thú nhận với ông Võ Như Nguyện. Vì vậy, tôi nghĩ, ngày nay không còn ai không biết lai lịch Tướng Mậu xuất thân từ ngạch lính khô xanh dưới thời Pháp thuộc. Cuối thập niên 30, ở ngạch này, ông phục vụ tại Tòa Khâm Sứ Pháp ở Huế, trong khi ông Võ Như Nguyện là Tham Sự Hành Chánh làm việc tại đây. Sau này cả hai ông, kẻ trước người sau, cùng theo phò ông Ngô Đình Diệm.
Dịp húy nhật lần thứ 25 Tổng Thống Ngô Đình Diệm, báo Văn Nghệ Tiền Phong đã đăng bài phỏng vấn Giáo Sư Võ Như Nguyện, do ông Từ Nguyên thực hiện. Khi được hỏi về cảm tưởng đối với cuốn hồi ký của Tướng Mậu, ông Nguyện trả lời:
"Cảm tưởng của tôi là sách ấy được bán chạy, đồng bào mua nhiều vì ai cũng muốn biết công cuộc thời Đệ I Cộng Hòa, do một tác giả sát cánh với Cụ Ngô từ năm 1942 đến 1963 kể lại, qua sự trung thành lẫn sự. . . phản bội".
Ông Nguyện cũng đưa ra một câu hỏi:
"Trong thời gian Cụ Ngô còn là Tổng Thống, họ biết là quá xấu xa như vậy, tại sao vẫn theo "ủng hộ"?
Năm 1996 được gặp ông Nguyện tại Mỹ, ông cho tôi biết, năm 1979, khi được ông Đỗ Mậu ngỏ ý muốn viết về Tổng Thống Diệm, ông đã khuyên nên đợi thêm một thời gian nữa.  Nhưng khi về lại Pháp, ông nhận được thơ ông Mậu phân trần về việc nên viết cuốn hồi ký ấy.  Ông Nguyện đã trả lời trong một thơ dài, và được ông Mậu phúc đáp hẹn sẽ cùng với nhóm anh em của ông viết cuốn thứ hai để bổ túc. Vì trong cuốn thứ nhất, ông Mậu đã cho in kèm các thư từ bạn bè gửi cho ông, nên ông Nguyện tỏ ý rất mong muốn của ông Mậu sẽ cho công bố đầy đủ bức thơ của ông trong cuốn hai. Nhưng cho đến nay điều mong muốn của ông Nguyện vẫn không được ông Mậu thỏa mãn.
Tướng Đỗ Mậu cùng với một số bạn đồng ngũ như cựu Đại Tá Phùng Ngọc Trưng,  theo phò ông Ngô Đình Diệm từ năm 1942, khi đang phục vụ trong ngạch lính khố xanh.
Khi Việt Minh cướp được chính quyền, tháng 8. 1945, ông Mậu đã gia nhập "quân đội nhân dân" của Việt Minh.
Một viên chức công an Tỉnh Quảng Bình thời chính quyền quốc gia mới được thiết lập và cũng là đồng hương với Tướng Mậu,  ông Phạm Tường, cho biết: Ông Đỗ Mậu người làng Thổ Ngọa, Huyện Quảng Trạch, Tỉnh Quảng Bình, là con một địa chủ, chứ không phải con nhà nghèo như ông nói. Sau khi Việt Minh cướp được chính quyền, cha ông bị bắt, nhưng ít lâu sau được thả, khi ông về làm huyện đội trưởng dân quân Huyện Quảng Trạch.
Thời gian làm huyện đội trưởng dân quân, ông Mậu đã thâm lạm của huyện đội 10 tấn thóc và 7 triệu đồng (tiền Việt Nam). Bị giáng chức và chuyển sang làm trưởng một trại giam có tên là Trại Tranh ở Kim Lũ, thuộc Huyện Tuyên Hóa. Năm 1947, một dịp về thăm nhà, ông bị ông Nguyễn Rạng, người cùng làng, khi ấy là Bang Tá Huyện Quảng Trạch, bắt giải về Đồng Hới. Tại đây ông được tha, nhờ người em ruột của ông là Đỗ Toàn, trước là thượng sĩ khố xanh được Pháp dùng làm Quản Đốc nhà lao Đồng Hới bảo lãnh.
Danh từ "Đỗ Mậu" đã bị người dân vùng Duyên Hải Trung Phần, đặc biệt là tại Nha Trang, nói trại ra là "Đổ Máu". Vì khi ông được Thủ Tướng Ngô Đình Diệm bổ nhậm làm Chỉ Huy Phó, rồi Chỉ Huy Trưởng Phân Khu Duyên Hải, ông đã áp dụng một đường lối quá cứng rắn đối với những đảng phái, lực lượng, chống lại Thủ Tướng Diệm lúc bấy giờ. Ông là một trong những người ủng hộ Thủ Tướng Diệm tích cực nhất trong thời kỳ ấy. Trong một Đại Hội Quân Cán Chính của Vùng Duyên Hải do ông tổ chức, ông đọc một diễn văn dài ca tụng tài đức, tinh thần cánh mạng, lòng yêu nước thương dân của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm.  Ông kể lại với thái độ rất hãnh diện là người được biết những chặng đường tranh đấu cho nền độc lập dân tộc, và hạnh phúc nhân dân của ông Diệm. Bài diễn văn có câu kết: "Khí thiêng sông núi đã hun đúc nên con người Ngô Đình Diệm". Bài diễn văn này sau được ông in thành tập nhỏ nhan đề Thân Thế và Sự Nghiệp Của Ngô Chí Sĩ, dùng làm tài liệu học tập cho các cơ sở Đảng và Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia tại Vùng Duyên Hải. Tài liệu cũng được gửi ra Huế bán cho các cơ sở Đảng và Phong Trào với giá 3 đồng một tập. Khi đề nghị tổ chức một Đại Hội Đảng Cần Lao Toàn Quân để thành lập Quân Ủy Cần Lao được ông Tổng Bí Thư Ngô Đình Nhu chấp thuận, ông Mậu đã hăng hái xung phong nhận trách nhiệm tổ chức Đại Hội này tại Bộ Chỉ Huy Phân Khu Duyên Hải của ông. Sau cuộc Đại Hội này, mỗi tham dự viên đều được ông tặng một tập Thân Thế và Sự Nghiệp Của Ngô Chí Sĩ.
Tôi được gặp ông Đỗ Mậu diện đối diện lần đầu và cũng là lần duy nhất suốt thời Đệ I Cộng Hòa là dịp ông ra chào ông Cẩn sau khi nhận chức Giám Đốc Nha An Ninh Quân Đội.  Tôi được mời dự bữa tiệc đón chào ông, do Nha An Ninh Quân Đội Đệ II Quân Khu tổ chức,  tại Khách sạn Du Centre. Qua tình đồng chí, tuy cảm thấy gần gũi và thân mật, nhưng trong giao dịch tôi chưa mấy quen biết ông, nên câu chuyện giữa ông và tôi trong suốt bữa ăn không có gì là tâm tình.
Sau cuộc đảo chánh 1.11.1963, ngoài một lần tôi được ông gọi lên trình diện vì việc gặp và bắt tay chào hỏi anh Đặng Sỹ tại Phi Trường Tân Sơn Nhất, đã được kể lại trong mục "Tôi Thoát Hiểm", tôi còn tình cờ được gặp ông lần thứ hai tại nhà thầy bói Bích.
Ngày Phật Đản năm 1964, khoảng 9 giờ sáng, Thiếu Tá Ngô Văn Hùng đến đón tôi đi chơi. Sau khi đi vòng vòng mấy đường phố chính Sài Gòn-Chợ Lớn coi quang cảnh ngày lễ,  chúng tôi đến nhà thầy bói Bích ở cuối Đường Pasteur, ngồi hút thuốc lào, nói chuyện tướng số. Chúng tôi đang mải mê nghe thầy bói Bích giải thích về tướng mạo của một vài vị "anh hùng 1. 11", thì thấy một xe jeep dừng trước cửa. Từ trên xe, Tướng Mậu mặc thường phục, áo sơ mi trắng ngắn tay, quần màu xám, chân đi dép, bước xuống. Ông bước vào nhà, anh Hùng và tôi đứng dậy chào. Anh Hùng là người thân thiết với ông. Ông bước tới, vừa bắt tay chúng tôi vừa nói với vẻ hết sức bực bội:
"Moa vừa đại diện chính phủ dự lễ Phật Đản ngoài Bến Bạch Đằng về. Chán quá đi! Đã không hơn mà còn thua ngày trước nữa. Biết như ri thì moa uổng công lạy thằng Đính hai lạy để mần đảo chánh mần chi".
Sau khi đi cải tạo về, khoảng năm 1990, một người bạn, anh N. V. H.  (còn ở Việt Nam) đưa cho tôi cuốn Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi của Tướng Đỗ Mậu và bảo tôi:
- Anh đọc xem ông Mậu nói có đúng không?
- Anh đọc chưa? Tôi hỏi.
- Đọc rồi.
- Anh thấy thế nào?
- Cứ như ông Mậu nói thì ông Diệm là người xấu xa nhất trần đời. Nhưng có một tội lớn nhất của ông Diệm lại không được ông Mậu nói tới?
- Tội gì?
- Tội ông đã dùng và tin những người như ông Đỗ Mậu chứ còn tội gì nữa!
Ngẫm nghĩ câu nói của anh bạn, tôi thấy thật thấm thía.
Cuốn sách được Việt Cộng in và cho lưu hành tại Việt Nam. Bìa sách in hình vẽ một người, đúng hơn, là một bộ xương có khuôn mặt giống như thần chết, ngồi cầm cây súng M16 chống ngược lên. Nội dung được cắt bỏ nhiều phần, nên cuốn sách chỉ có trên 600 trang. Những phần kết tội Tổng Thống Diệm diệt đối lập, đàn áp Phật Giáo và những điều bới mọc gia đình họ Ngô, được in lại đầy đủ.
Tại Mỹ, cựu Trung Tá Nguyễn Văn Ứng, người quen biết ông Mậu từ khi còn ở Phân Khu Duyên Hải, khi mới cùng đơn vị di cư từ ngoài Bắc vào. Ông Ứng được ông Mậu rất tin tưởng và quý mến đưa về ngành An Ninh Quân Đội. Sau khi đọc cuốn Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi của vị chỉ huy cũ của mình, trong một dịp gặp tôi, nhắc đến tại phẩm này, anh đã tỏ ra hết sức bất bình về nội dung cuốn sách mà anh quả quyết 90% là bịa đặt. Đối với anh,  cuốn sách phơi bầy rõ ràng tính gian trá và thiếu lương thiện của ông Mậu. Anh nói:
"Nói những chuyện không hay về người chỉ huy cũ của mình là một việc làm đáng xấu hổ. Nhưng không nói lên sự thật về những điều mình biết là bịa đặt, xuyên tạc một cách bất lương, để cho độc giả bị lừa gạt thì lại là một tội".
Và trong một cuốn băng ghi âm, anh kể khá nhiều chuyện minh chứng tính nhỏ nhen hay thù vặt, dành công của người khác, khả năng yếu kém về an ninh v. v. . . Nhưng không làm phí thì giờ của quý độc giả, ở đây tôi chỉ xin trích lược một số câu chuyện có "ý nghĩa" đối với những thành tích được ông khoe khoang trong hồi ký của ông mà thôi. Anh Ứng kể lại:
"Năm 1956, là Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 85 đóng ở Phú Yên, tôi được Bộ Chỉ Huy Phân Khu Duyên Hải mời tham dự bữa cơm tiễn ông Mậu đi làm Tùy Viên Quân Sự tại Pháp.  Trong bữa ăn ông nói với tất cả những người tham dự: "Bây giờ tôi vào Sài Gòn không ai tiếp. Ra Huế không được tiếp. Xin các anh mỗi người nói cho tôi một tiếng, nhiều tiếng thành tiếng vang, một ngày nào đó sẽ đến tai Thượng Cấp".
- Thời Đệ I Cộng Hòa ông không bao giờ bỏ lỡ cơ hội đề cao tinh thần chống cộng của người Công Giáo. Hết lời tán tụng đức độ, công lao của gia đình họ Ngô. Trong các buổi học tập tại Nha An Ninh Quân Đội, hai câu phương ngôn: "Đầy Vua không Khả, Đào mả không Bài" đã được ông thêm vào một vế thứ ba: "Hai dân không Diệm".
- Thời gian làm việc tại Nha An Ninh Quân Đội, là Trưởng Phòng Chính Trị, tôi thấy mtộ điều rất khôi hài, vì theo tôi biết, phúc trình của một cơ quan, đơn vị Quân Đội, không bao giờ được kết thúc như vậy. Tại Nha An Ninh Quân Đội, mọi phúc trình lên Tổng Thống, ông đều bắt phải kết thúc bằng câu: "Nha chúng tôi kính trình Tổng Thống nhận nơi đây lòng tri ân và sự trung thành tuyệt đối của Nha chúng tôi".
- Sau cuộc đảo chánh 1.11.1963, cũng trong một buổi học tập, ông đã hết lời ca tụng Tướng Dương Văn Minh, và không tiếc lời mạt sát Tổng Thống Diệm, với những tội độc tài,  gia đình trị, ký thị tôn giáo v. v. . . Một sĩ quan, Đại Úy Sinh, Trưởng Phòng Công Tác của Nha,  đã phát biểu ý kiến: "Xin Thiếu Tướng cho biết những ai là người đã từng ủng hộ ông Diệm thực hiện những tội ấy".
Biết Đại Úy Sinh có ý ám chỉ mình, Tướng Mậu nói: "Hết ai để chơi rồi à anh Sinh? Răng anh lại nhè tôi mà chơi?"
- Thời Tướng Khánh nắm quyền, là Chánh Sở I An Ninh Quân Đội tại Đà Nẵng, một hôm về Sài Gòn tôi ghé thăm ông Mậu, gặp lúc ông đang tiếp 8, 9 người khách. Ông mời tôi vào, giới thiệu với họ: Đây là Thiếu Tá Ứng, một cộng sự viên rất đắc lực của tôi, từng làm việc bên cạnh Trung Tướng từ khi ông làm Tư Lệnh Quân Đoàn II.
Nghe ông ca tụng Tướng Khánh quá mức, tôi hỏi:
- Thưa Thiếu Tướng tôi ở xa không rõ, xin Thiếu Tướng cho biết về vụ bà Phùng Há bị trở ngại bên phi trường Orly ra sao? Ông nói:
- Ồ! Anh ở xa không biết, chứ công lao của ông Khánh như Trời như Biển.
- Cuối năm 64 từ Đà Nẵng về, tôi ghé thăm ông Mậu, lúc ấy độ 11 giờ 30 trưa. Thấy ông đang tiếp hai người mặc đồ dân sự, tôi lui ra, ông gọi giật lại:
- Ứng! Vô đây, moa cần gặp toa.
Và ông giới thiệu với tôi, hai vị khách là hai nhà viết sử. Ngồi một lúc thấy trong nhà có tiếng động chén bát, tôi xin phép ra về, ông giữ lại ăn cơm cùng với hai vị khách. Chúng tôi vừa ăn chưa được nửa chén cơm, một trong hai vị hỏi ông Mậu:
- Thưa Thiếu Tướng, xin Thiếu Tướng cho biết vì nguyên nhân nào Thiếu Tướng làm cách mạng hạ nhà Ngô?
- Trả lời câu hỏi này, ông Mậu đã kể công lao ông theo phò ông Diệm từ khi còn trong binh đội khố xanh, đã hoạt động ủng hộ ông suốt thời gian ông hoạt động bí mật, cho đến khi về làm Thủ Tướng và lên làm Tổng Thống. Rồi ông nêu tên hai Tướng Huỳnh Văn Cao, Hồ Văn Tố và so sánh, những người ấy có công gì với ông Diệm mà được cho lên Tướng còn ông thì không. Vừa nghe đến đây, vị khách đã nêu lên câu hỏi, đứng dậy nói:
- Thưa Thiếu Tướng, tôi tưởng Thiếu Tướng vì Quốc Gia Dân Tộc mà làm đảo chánh hạ nhà Ngô. Hôm nay hân hạnh được nghe chính miệng Thiếu Tướng nói là, vì không được lên Tướng. Thôi, gặp Thiếu Tướng thế này là đủ rồi. Tôi xin phép cáo từ. Và vị khách đã bỏ chén cơm đang ăn dở, ra về.
Anh Ứng kể tiếp:
- Tôi không nhớ chính xác, nhưng khoảng cuối năm 66 đầu năm 67. Một hôm đến thăm ông, khi nói đến tình trạng xáo trộn xảy ra liên miên, ông nói: "Nói thật với toa, ở Việt Nam này, về quân sự moa không bằng ai, chứ chính trị ai hơn moa".
Khi tôi ra về, ông đứng dậy tiễn, không hiểu vì lý do gì, ông chỉ vào tượng Phật để trong góc nhà, nói: "Một ngày gần đây moa sẽ đập cái này đi, moa vào đạo Công Giáo".
Và vẫn chuyện Tướng Mậu viết hồi ký. Một hôm, vào tháng 3 năm 2000, tôi đến thăm ông bạn già hiện ở Thành Phố Fountain Valley, được ông đưa cho hai bản photo copy, và nói:
- Anh đọc đi rồi tôi sẽ nói cho nghe.
Hai bản này, một bản copy trang 889 và trang kế tiếp của cuốn Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi, ông Mậu kể chuyện Tướng Khánh sợ ông làm đảo chánh nên vào tháng 10. 1964 kiếm cớ đẩy ông ra ngoại quốc bằng cách sai ông đi công tác ở Thái Lan. Đến Thái Lan ông được Tướng Thái Quang Hoàng, Đại Sứ Việt Nam tại quốc gia này, dẫn đến thăm xã giao Thủ Tướng Thái Sarit Thanarat.
Bản kia là bản photo copy hai trang 180, 181 cuốn Thailand Today, A Visit to Modern Siam, do Valentin Chu soạn. In tại Thomas Y.  Crowell Company New York. Trong hai trang sách đó, có đoạn nói về Thủ Tướng Sarit Thanarat: Ông Sarit Thanarat là một Thống Chế của Thái Lan. Năm 1957, trước tình hình đất nước bị đe dọa bởi lực lượng Cộng Sản tại quốc nội cũng như quốc ngoại, ông đã làm một cuộc đảo chính bất bạo động, xóa bỏ Hiến Pháp. Ông nắm quyền hành động nhằm bảo vệ nền an ninh quốc gia. Năm 1959, chính quyền của ông đã đưa ra một bản Hiến Pháp tạm thời, chỉ định thành phần Quốc Hội để thi hành quyền Lập Pháp, đồng thời soạn thảo một bản Hiến Pháp mới. Thống Chế Sarit nắm quyền cho đến khi ông qua đời vào năm 1963. Sau đó, quyền Thủ Tướng được trao cho Phó Thủ Tướng là Thống Chế Thanom Kittikachorm.
Sau khi tôi đọc xong, ông bạn già nói:
- Hai bản này do ông bạn của tôi gửi cho. Ông này người Quy Nhơn, trước làm việc cho Liên Hiệp Quốc, nay đã về hưu. Sau khi đọc hồi ký của ông Mậu, thấy viết bừa bãi quá, bực mình, ông sao hai bản này gửi cho tôi, trong thơ ông viết:
"Anh coi, đối với một nhân vật mà các quốc gia và tổ chức quốc tế đều biết tên biết mặt như ông Sarit Thanarat mà Đỗ Mậu còn dám nói một cách vô tội vạ, không biết mắc cỡ rằng, đã đến thăm xã giao ông khi anh ta đến Thái Lan vào tháng 10. 1964. Trong khi ông ấy đã mất từ năm 1963, nghĩa là cả năm trước rồi. Như vậy thì còn cái gì mà anh ta không dám nói.  Chắc là anh ta đã đến nghĩa địa thăm xã giao Thủ Tướng Sarit Thanarat".
Thiết tưởng cũng nên nói rõ: Lý do Tổng Thống Diệm không cho ông Đỗ Mậu lên Tướng là vì Tổng Thống muốn giữ giá trị và thể diện cho hàng Tướng lãnh Quân Đội Quốc Gia. Tôi được Linh Mục Cao Văn Luận kể lại rằng ông Mậu có nhờ ngài xin Tổng Thống Diệm cho ông được lên Tướng. Khi vào gặp ông Diệm, Cha Luận đã khéo léo nhắc đến công lao ông Mậu đã theo hầu ông Diệm và xin cho ông Mậu lên Tướng. Ông Diệm nói với Cha Luận:
"Cha biết tôi thương hắn lắm chứ. Nhưng cho hắn lên Tướng thì ông Giáp ông ấy cười chết và họ còn coi Tướng lãnh của mình ra chi nữa".  




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét